Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là một trong các mô hình doanh nghiệp/công ty (sau đây gọi là doanh nghiệp) thường được sử dụng và đã được quy định trong luật doanh nghiệp (LDN). Tuy nhiên, khác với các nước trên thế giới, các nhà lập pháp Việt Nam chia loại hình doanh nghiệp này thành hai mô hình là công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên. Nói chung hai mô hình này có những đặc điểm giống nhau do đều là công ty TNHH, nhưng có những đặc điểm khác mà chỉ riêng từng mô hình sở hữu do nhà làm luật quy định cho từng mô hình đó. Dưới đây, tác giả chỉ phân tích một số điểm khác nhau mà tác giả cho là nổi bật của hai mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên (nhiều chủ) và công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu (một chủ).
Thẩm quyền của HĐTV
Theo quy định tại Điều 56.1 LDN 2014 (Điều 55.1 LDN 2020), Hội đồng thành viên (HĐTV) là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Điều này có nghĩa là mọi quyết định ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức, vận mệnh của công ty đều do cơ quan này thông qua như ban hành, sửa đổi điều lệ, phê duyệt các giao dịch có giá trị lớn (chiếm từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên),…. Tuy nhiên, đối với công ty TNHH một chủ thì thẩm quyền của HĐTV không còn lớn như HĐTV của công ty nhiều chủ nữa. Các vấn đề, giao dịch lớn, quyết định vận mệnh của công ty,… đã thuộc về tổ chức là chủ sở hữu của công ty và HĐTV chỉ là cơ quan nhân danh chủ sở hữu, nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà chủ sở hữu đã quy định trong điều lệ. So sánh đặc điểm này của HĐTV công ty một chủ khá giống với hội đồng quản trị (HĐQT) trong công ty cổ phần (CTCP) đó là các quyết định quan trọng, giao dịch, vấn đề lớn sẽ thuộc về đại hội đồng cổ đông – là một thực thể khác có thẩm quyền lớn hơn.
Thành phần cấu thành HĐTV
LDN 2014 quy định HĐTV bao gồm tất cả các thành viên công ty và thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Điều này sẽ chẳng có gì vướng mắc đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên có các thành viên chỉ là cá nhân và công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khi công ty nhiều chủ có một thành viên là tổ chức thì quy định về việc bầu Chủ tịch HĐTV thể hiện sự bất cập trong kỹ thuật lập pháp. Điều 57.1 LDN 2014 quy định HĐTV sẽ bầu một thành viên làm Chủ tịch – có nghĩa rằng người giữ vị trí chủ tịch HĐTV phải là cá nhân. Vậy trong trường hợp thành viên được bầu vào vị trí chủ tịch mà là tổ chức thì ai sẽ là người nhậm chức, vì chủ tịch HĐTV không thể là tổ chức mà tinh thần của luật lại hướng vị trí này cho thành viên của công ty. Sự bất cập về mặt lập pháp này của LDN 2014 có lẽ là do nhà làm luật chưa quy định rành mạnh giữa thành viên công ty và thành viên HĐTV. Để khắc phục hạn chế này LDN 2020 đã sửa đổi, bổ sung về thành phần của HĐTV như sau: “Hội đồng thành viên … bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức…” – tức đã chỉ rõ thành viên HĐTV chỉ là cá nhân mà không phải tất cả các thành viên công ty (được hiểu là cả thành viên là tổ chức) như LDN 2014 nữa. Việc sửa đổi này đã tạo ra sự thống nhất với quy định HĐTV bầu một thành viên làm chủ tịch và do đó chủ tịch sẽ không còn là tổ chức nữa. Thêm nữa, sự thống nhất pháp luật này cho thấy điểm giống nhau giữa HĐTV của công ty một chủ và nhiều chủ đó là thành viên HĐTV chỉ là cá nhân. Sở dĩ nói HĐTV của công ty một chủ chỉ là cá nhân bởi lẽ thực tế sẽ không có người chủ sở hữu nào chỉ định được một tổ chức làm thành viên HĐTV trong công ty mình để giữ chức vụ quản lý.
Quy chế bỏ phiếu biểu quyết
Trong một doanh nghiệp, nếu như thành viên của doanh nghiệp đó có phần vốn góp càng lớn thì các quyền về dòng tiền và quyền về kiểm soát sẽ càng lớn. Đối với công ty TNHH nhiều chủ thì hai loại quyền này được thể hiện rõ rệt, đó là quyền “được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp…” – tức là vốn góp càng nhiều thì sẽ càng được chia nhiều lợi nhuận hơn (quyền dòng tiền lớn hơn) và quyền “có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp…” – tức là vốn góp càng nhiều thì quyền biểu quyết sẽ lớn hơn vì số phiếu biểu quyết lớn (quyền kiểm soát lớn hơn). Thông thường, các thành viên hoặc nhóm thành viên chiếm một tỷ lệ chi phối (từ 65% trở lên) sẽ dùng các quyền này của mình để lấn át các thành viên hoặc nhóm thành viên khác sở hữu tỷ lệ nhỏ hơn để biểu quyết hoặc phủ quyết các vấn đề có lợi hơn cho mình. Điều này cũng giống với phương thức hoạt động của đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ tỷ lệ chi phối sẽ lấn át cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ một tỷ lệ vốn nhỏ, không đủ để biểu quyết hoặc phủ quyết các vấn đề được đưa ra trước hội đồng cổ đông.
Đối với HĐTV một chủ, quyền lực lớn nhất được trao cho chủ sở hữu công ty mà không phải của HĐTV. Các quyết định lớn, quan trọng sẽ do chủ sở hữu phê duyệt, quyết định vì HĐTV lúc này do chủ sở hữu bổ nhiệm và HĐTV “nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty”. Ở mô hình HĐTV này, các thành viên sẽ không “lấn át” nhau vì họ làm việc vì lợi ích của một chủ thể duy nhất là chủ sở hữu và quyền biểu quyết của họ nhà ngang nhau. Hơn nữa, thành viên HĐTV hoàn toàn do chủ sở hữu bổ nhiệm nên phần nào có thể thấy được việc lạm dùng quyền biểu quyết để “lấn át” thành viên khác là hầu như không có. Quyền dòng tiền đương nhiên sẽ chỉ thuộc về chủ sở hữu và các thành viên HĐTV sẽ được chủ sở hữu quyết định mức thù lao, tiền lương và tiền thưởng nếu họ vận hành tốt doanh nghiệp. Về quyền kiểm soát, vì mỗi thành viên HĐTV sẽ chỉ có một lá phiếu biểu quyết ngang nhau nên sẽ không có thành viên nào quan trọng hoặc kém quan trọng hơn thành viên nào và các vấn đề họ biểu quyết sẽ không nghiêng về bên nào khi họ biểu quyết hoặc phủ quyết. Đặc điểm này của HĐTV một chủ có nét giống với phương thức biểu quyết trong hội đồng quản trị của công ty cổ phần. Thành viên HĐQT cũng chỉ có một phiếu biểu quyết ngang nhau để biểu quyết các vấn đề nằm trong thẩm quyền.
Về quy chế bỏ phiếu biểu quyết của HĐTV công ty một chủ, LDN 2020 bổ sung thêm một hình thức bỏ phiếu theo “số phiếu biểu quyết”. Hình thức biểu quyết này dường như giống với hình thức biểu quyết của công ty nhiều chủ. Tuy nhiên, thay vì quy định tỷ lệ biểu quyết như công ty nhiều chủ thì LDN 2020 cho phép chủ sở hữu chỉ định một hoặc một số thành viên HĐTV nắm giữ nhiều hơn một (1) phiếu biểu quyết, tức “có lợi” hơn so với một hoặc một số thành viên HĐTV khác.
“…Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi có … số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành … hoặc số thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên tán thành……” (Điều 80.6 LDN 2020)
Quy định này, vô hình trung, đã làm cho mô hình công ty một chủ giống/tiệm cận đến mô hình công ty nhiều chủ. Đó là việc tính tỷ lệ biểu quyết theo tỷ lệ mà trong một hoặc một số thành viên HĐTV được trao quyền lớn hơn do có số phiếu biểu quyết lớn hơn một (1) để từ đó “làm ảnh hưởng” đến quyết nghị của hội đồng thành viên.
Sự khác nhau giữa HĐTV một chủ tư nhân và HĐTV một chủ do nhà nước làm chủ sở hữu
HĐTV một chủ như đã đề cập ở trên, thực thể này có quyền bị hạn chế rất nhiều so với HĐTV nhiều chủ. Các vấn đề lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến công ty đều phải xin ý kiến hoặc phải được chủ sở hữu quyết định, đồng ý. HĐTV hay thành viên HĐTV chỉ làm việc trong thẩm quyền và giới hạn mà chủ sở hữu trao cho. Họ chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở HĐTV một chủ mà nhà nước làm chủ sở hữu thì mọi vấn đề về thẩm quyền sẽ càng chặt chẽ hơn. Bởi lẽ thứ nhất, tiền dùng để thành lập và vận hành doanh nghiệp là tiền từ ngân sách nhà nước, mọi hành vi gây thiệt hại đến ngân sách nhà nước đều có thể bị xử lý hình sự. Do vậy, khi xuất hiện một vấn đề mặc dù nằm trong thẩm quyền của HĐTV nhưng không được quy định một cách rõ ràng thì khó có khả năng công việc được xử lý nhanh và các thành viên HĐTV nhiều khi cũng không dám biểu quyết thông qua nghị quyết để có cơ sở cho cấp dưới thực hiện công việc. Vì thế, trước khi biểu quyết cơ quan này thường xin ý kiến của chủ sở hữu trước khi thực hiện. Thời gian để có được ý kiến của chủ sở hữu sẽ rất lâu trong khi cơ hội kinh doanh thì không thể chờ quá lâu do chính chủ sở hữu phải tổ chức họp, tham vấn ý kiến, cân nhắc vấn đề để phản hồi cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến trường hợp chính chủ sở hữu cũng “loay hoay” với các quy định không rõ ràng của pháp luật để “dám quyết định” hoặc trả lời một cách rõ ràng vấn đề mà HĐTV gửi văn bản xin ý kiến; hoặc chỉ đơn thuần đưa ra văn bản trả lời việc đó thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp và doanh nghiệp tự quyết định vì lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn ngân sách nhà nước. Thứ hai, công ty một chủ còn chịu nhiều sự điều chỉnh của một hệ thống gồm rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từ Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, luật đấu thầu, cùng một hệ thống các văn bản dưới luật áp dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực mà doanh nghiệp đó hoạt động. Ngoài ra còn những quy chế nội bộ được áp dụng riêng cho từng doanh nghiệp mà cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành. HĐTV một chủ tư nhân có ít văn bản điều chỉnh hơn mà do đó có sự linh hoạt hơn, kinh doanh có hiệu quả hơn trong hoạt động của doanh nghiệp đó vì có sự chủ động cao trong việc quyết định các vấn đề của công ty.
Tạm kết
Như vậy có thể thấy rằng cùng là một thực thể mang tên HĐTV nhưng với mỗi hình thức doanh nghiệp khác nhau và với mỗi chủ sở hữu khác nhau pháp luật Việt Nam đưa ra những cơ chế vận hành, quy định khác nhau. Với mỗi loại mô hình HĐTV sẽ có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Vì vậy, tùy thuộc vào nhu cầu của từng chủ sở hữu mà lựa chọn cho mình một mô hình phù hợp.
Lê Quang Đán – Công ty Luật TNHH Penfield