BÌNH LUẬN ĐIỂM MỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 – KỲ 2: “CHẤM DỨT SÁU THÁNG MẤT QUYỀN”

Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN2020) được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020 với một số nội dung sửa đổi trọng yếu như chúng tôi đã nêu trong Kỳ I về chuyện “Nhà nước chính thức trả con dấu về cho doanh nghiệp”. Bên cạnh nội dung về việc chính thức giao cho doanh nghiệp toàn quyền định đoạt về việc quản lý và sử dụng con dấu, một điểm mới đáng chú ý nữa là việc LDN2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng để thực hiện một số quyền của mình.

Sơ sử

Quy định về thời hạn sáu tháng để các cổ đông sở hữu từ (trên) 10% cổ phần trong công ty cổ phần thực hiện một số quyền của mình bắt đầu được pháp điển hóa từ Luật doanh nghiệp 1999 (Khoản 2, Điều 53), được tiếp nối trong Luật doanh nghiệp 2005 (Khoản 2, Điều 79) và tiếp tục được duy trì trong Luật doanh nghiệp 2014 (Khoản 2, Điều 114). Nội dung của quy định này ghi nhận rằng cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần phổ thông trở lên muốn được quyền đề cử người vào HĐQT, Ban KS; muốn triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ; muốn kiểm tra một số tài liệu của công ty và một số quyền khác thì cần phải có thời hạn sở hữu cổ phần liên tục ít nhất sáu tháng.

Cơ sở lý luận cho quy định này xuất phát từ việc nhà làm luật coi công ty cổ phần là một pháp nhân. Vì là một pháp nhân nên thực thể này là độc lập với chủ thể tạo ra nó (các cổ đông) và do vậy nó cần đảm bảo tính ổn định một cách tương đối trước những biến động từ phía các chủ thể sở hữu nó. Trên cơ sở này, khi các cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông hiện hữu, họ cần một khoảng thời gian để tìm hiểu và duy trì hoạt động ổn định, tránh những can thiệp tức thời gây xáo trộn hoạt động quản lý đang diễn ra bình thường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc quy định tỉ lệ cổ phần tối thiểu (10%) và thời hạn sáu tháng còn nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi tiêu cực từ phía các cá nhân, tổ chức có hành vi thù địch, bỏ tiền để nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ và thực hiện những hành động quấy phá, gây bất ổn cho hoạt động của công ty.

Với luận điểm như vậy, quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần (10%) và thời hạn sở hữu cổ phần tối thiểu (6 tháng) gắn với một số quyền cổ đông đã được đưa vào Luật doanh nghiệp từ năm 1999 và tồn tại suốt 21 năm qua. Tuy nhiên, quy định này đã bộc lộ những bất cập và bất hợp lý trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ vận động của thị trường đang diễn ra ngày càng nhanh và làn sóng M&A phủ khắp đời sống kinh doanh nhiều năm qua.

Bất cập

Nội dung về tỷ lệ 10% và thời hạn sáu tháng như đã nêu trên dựa trên những cơ sở lý luận hợp lý của nó. Tuy nhiên, việc duy trì quy phạm này trong giai đoạn hiện nay đã không còn phù hợp, vì những lý do sau:

Một là, quy định cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần liên tục trong thời hạn ít nhất sáu tháng mới có được một số quyền liên quan đến đề cử thành viên HĐQT, BKS; triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ; sao lục, kiểm tra các hồ sơ tài chính, hồ sơ quản lý của doanh nghiệp như ghi nhận tại Khoản 2, Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014 thực tế sẽ mâu thuẫn ngay với chính các quy định của đạo luật về doanh nghiệp. Với một công ty mới thành lập, các cổ đông sáng lập, cổ đông góp vốn sẽ làm thế nào để bầu ra HĐQT, BKS khi công ty mới được cấp đăng ký và việc đảm bảo đủ thời hạn nắm giữ cổ phần liên tục tối thiểu ít nhất sáu tháng cho trường hợp này là không thể?

Hai là, việc quy định thời hạn nắm giữ cổ phần liên tục trong thời hạn tối thiểu ít nhất sáu tháng là chưa phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật dân sự về tài sản và sở hữu tài sản. Khi một chủ thể nhận chuyển nhượng tài sản từ các chủ sở hữu theo đúng quy định của pháp luật, họ đương nhiên là người được kế thừa nguyên vẹn và đầy đủ quyền sở hữu tài sản và các quyền tài sản liên quan đến tài sản đó. Việc Luật doanh nghiệp 2014 trở về trước đưa ra thời hạn sáu tháng mặc nhiên làm cho các chủ thể nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông hiện hữu trong các công ty mất đi một số quyền cơ bản trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày họ chính thức được ghi nhận là chủ sở hữu. Xin lưu ý rằng, đây là các quyền liên quan đến việc bảo vệ tài sản đầu tư, quyền kiểm tra tính minh bạch trong công tác quản lý khối tài sản đầu tư của các cổ đông. Theo pháp luật về dân sự, đây là các quyền cơ bản và hiến định của chủ sở hữu tài sản.

Ba là, thời hạn sáu tháng như quy định của Luật doanh nghiệp hiện tại và trước đây là nguyên nhân dẫn đến xung đột về lợi ích giữa những cổ đông mới nhận chuyển nhượng lại cổ phần trong công ty và nhóm người quản lý doanh nghiệp hiện hữu. Khi (các) cổ đông chưa có đủ công cụ về quyền luật định để bảo vệ, giám sát hoạt động của công ty trong giai đoạn chuyển tiếp này, nhóm người quản lý doanh nghiệp sẽ có đủ khoảng trống quản trị để thực hiện các hành vi tẩu tán tài sản và/hoặc chuyển giá các giao dịch để đưa lợi nhuận của công ty về các đơn vị khác. Thực tiễn hành nghề của chúng tôi cho thấy đây là những trường hợp đã xảy ra nhiều trên thực tế và quá trình tư vấn cho các giao dịch M&A công ty cổ phần, chúng tôi luôn phải đặt ra vấn đề hiệp thương với bên bán để thu xếp miễn nhiệm những người quản lý cũ, bầu/bổ nhiệm các cá nhân do người mua chỉ định trước khi thanh toán đẩy đủ giá trị chuyển nhượng cổ phần.

Tạm kết

Bất kỳ quy định nào được đưa vào luật đều có nguyên nhân lịch sử của nó. Quy định về thời hạn sở hữu cổ phần tối thiểu như đã phân tích trên đây ra đời và tồn tại trong thời kỳ mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bắt đầu chính thức làm quen, học hỏi và tích lũy những quy định, những hiểu biết của mình về hệ thống đầu tư và quản trị công ty cổ phần. Đối với những nhà làm chính sách đây cũng là giai đoạn tiếp thu những chế định về quản trị công ty từ những nền pháp luật tiên tiến khác và chờ đợi những va đập từ vận động của thực tiễn để điều chỉnh.

Trong thời kỳ mà nền kinh tế đang vận động và phát triển nhanh như hiện nay, việc gỡ bỏ những rào cản pháp lý, cụ thể là việc xóa bỏ nội dung giới hạn về thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu, để các nhà đầu tư có thể tiếp cận và tiếp quản các doanh nghiệp mà họ đầu tư là điều cần làm nhằm trả cho họ quyền bảo vệ, giám sát tài sản mà họ đầu tư một cách nguyên vẹn và đầy đủ. Đặc biệt, khi các nhà làm luật coi doanh nghiệp cổ phần là trung tâm của loại hình công ty đối vốn, đặt trọng tâm về tính liên kết vốn, sự luân chuyển của dòng vốn đầu tư thì việc điều chỉnh một nội dung nhỏ này để đảm bảo về tính nhất quán về quyền sở hữu tài sản được ghi nhận trong pháp luật dân sự, từ đó gia tăng quyền hạn cho các nhà đầu tư trong Luật doanh nghiệp lại càng cần thiết.

Luật sư Vương Văn Quang – Công ty Luật TNHH Penfield

Để lại bình luận