NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN HƯỚNG DẪN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

Để thúc đẩy việc tiến hành thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là “Nghị định 44”) và Nghị định số 55/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là “Nghị định 55”) lần lượt vào ngày 08/04/2020 và ngày 22/05/2020.

Theo đó, Nghị định 44 đã tiến hành quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Luật Thi hành án hình sự. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm:

  • Phong tỏa tài khoản;
  • Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản); 
  • Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.

Bên cạnh đó, việc áp dụng cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại cần đảm bảo các nguyên tắc:

  • Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền. 
  • Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
  • Thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án không quá thời hạn chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp được xác định khi biện pháp tư pháp được thi hành xong.
  • Pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành án.
  • Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có liên quan trong cưỡng chế thi hành án.

Đồng thời, Nghị định 55 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại như sau:

  • Tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án;
  • Xác định cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm trong thi hành án;
  • Triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân để thông báo, yêu cầu thi hành án;
  • Hồ sơ thi hành án;
  • Công bố quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp;
  • Kiểm tra giám sát việc chấp hành án của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án;
  • Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp.

Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu đối với việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại ngày càng nhiều. Vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiến hành thi hành án, Chính phủ đã ban hành hai nghị định hướng dẫn quan trọng trong việc xác định trình tự, thủ tục và biện pháp cưỡng chế đối với việc thi hành án. 

Để lại bình luận