BÀN VỀ MỘT SỐ HÀNH VI LẠM QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH HĐQT TRONG CÁC CÔNG TY ĐẠI CHÚNG

Trong công ty cổ phần (CTCP), Hội đồng quản trị (HĐQT) là cơ quan có quyền lực “đứng thứ hai” sau Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), có vai trò trợ giúp ĐHĐCĐ thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển công ty. Chủ tịch HĐQT – với vai trò là người đứng đầu HĐQT, chịu trách nhiệm triệu tập các cuộc họp để các thành viên HĐQT biểu quyết thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT, đồng thời làm nhiệm vụ giám sát Giám đốc/Tổng giám đốc thực thi các quyết định mà HĐQT đã thông qua.

Tuy nhiên, trên thực tế tại một số CTCP, đặc biệt là một số CTCP đại chúng, Chủ tịch HĐQT đang được trao quyền điều hành công ty thay cho Giám đốc/Tổng giám đốc, thậm chí còn được “tự mình” quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT. Hãy cùng tác giả phân tích xem liệu những quy định “kiểu này” trong mô hình CTCP đại chúng có thật sự phù hợp với quy định pháp luật và đóng góp tích cực cho công tác quản lý, điều hành của công ty đại chúng hay không hay đơn giản chỉ là một hành vi “lạm quyền” đang diễn ra trên thực tế?

Từ mô hình quản trị căn bản đã được “luật hóa”… đến những quy định “lạ lùng” trong điều lệ

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, ĐHĐCĐ là cơ quan quyết định cao nhất của CTCP. Bằng quyền lực được trao, ĐHĐCĐ bầu ra (các thành viên) HĐQT để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty và quyết định các vấn đề không nằm trong phạm vi thẩm quyền của ĐHĐCĐ. HĐQT quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo cơ chế nhóm họp các thành viên HĐQT để lấy ý kiến và biểu quyết nhằm thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền, sau đó giao cho Giám đốc/Tổng giám đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được thông qua này. Giám đốc/Tổng Giám đốc với chức năng điều hành các công việc kinh doanh hàng ngày của mình sẽ khai triển các kế hoạch, giao dịch đã được HĐQT thông qua và chịu sự giám sát của HĐQT. Nghiên cứu về hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Giám đốc/Tổng giám đốc, chúng ta thấy Luật doanh nghiệp quy định rằng:

  • Chủ tịch HĐQT là một cá nhân được HĐQT bầu ra trong số các thành viên của mình, thực hiện các quyền và nghĩa vụ bao gồm[1]: (i) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; (ii) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị; (iii) Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; (iv) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; (v) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
  • Giám đốc/Tổng giám đốc là một cá nhân do Hội đồng quản trị bổ nhiệm từ một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác đảm nhiệm. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có chức năng là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

Trên cơ sở chức năng đã được luật định đó, Giám đốc/Tổng giám đốc có các nhiệm vụ hay nói khác đi là có các quyền và nghĩa vụ gồm[2]: (i) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị; (ii) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; (iii) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty; (iv) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty; (v) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị; (vi) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (vii) Tuyển dụng lao động; (viii) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh.

Như vậy, theo luật định, Chủ tịch HĐQT có chức năng/nhiệm vụ là người “điều hành” các hoạt động của HĐQT và đại diện cho HĐQT trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ (thẩm quyền) của HĐQT, cụ thể như giám sát bộ máy điều hành trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định đã được HĐQT thông qua. Với tư cách là một trong số các thành viên thuộc HĐQT, Chủ tịch HĐQT cũng chỉ nắm giữ 01 phiếu biểu quyết (giống như mỗi thành viên của HĐQT) để biểu quyết thông qua các vấn đề mà HĐQT có quyền quyết định. Như đã phân tích ở phần trên, trong mối quan hệ với Giám đốc/Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT giữ vai trò giám sát quá trình thực hiện nghị quyết của HĐQT mà Giám đốc/Tổng giám đốc là người có trách nhiệm thực hiện và Giám đốc/Tổng giám đốc chỉ chịu trách nhiệm trước HĐQT (không phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch HĐQT) về những nhiệm vụ được giao.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế một số CTCP đại chúng đang biến Chủ tịch HĐQT thành chức danh “có quyền lực” hơn quyền hạn mà pháp luật quy định. Ở các công ty đó, Chủ tịch HĐQT được trao một số chức năng của HĐQT, chẳng hạn như quyền bổ nhiệm, ký hợp đồng lao động với Giám đốc/Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác, hay quyền thông qua các loại hợp đồng mua, bán, vay, cho vay của công ty .v.v… Bên cạnh đó, điều lệ của một số công ty còn tước các quyền của Giám đốc/Tổng giám đốc để trao cho Chủ tịch HĐQT, chẳng hạn như quyền tuyển dụng lao động, hay quyết định quy chế trả lương, thưởng trong công ty. Thậm chí, nhiều trường hợp Chủ tịch HĐQT được trao toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc/Tổng giám đốc (ví dụ như chức năng điều hành các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp). Thực tế này vô hình trung đã tước đi chức năng, vai trò của vị trí Giám đốc/Tổng Giám đốc, làm vô hiệu hóa quy định về cơ cấu tổ chức của một công ty cổ phần và theo quan điểm của tác giả bài viết đây là những quy định trái pháp luật.

Những bất cập về cơ cấu tổ chức và dấu hỏi về hành vi lạm quyền

Mỗi cơ quan trong CTCP là mỗi thực thể có chức năng riêng, được tập hợp để tạo nên một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh đã được điển chế. Với những chức năng cụ thể, mỗi thực thể đó được pháp luật “giao” cho những nhiệm vụ, trách nhiệm đặc thù, không thể thay thế nhằm tạo nên một cơ chế quản lý, điều hành có sự phối hợp và sự kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau. Do đó, như chúng tôi đã phân tích ở phần trên, việc điều lệ của công ty tự ý xóa bỏ, thay thế hoặc trộn lẫn chức năng của một thực thể (cơ quan) này với một thực thể (cơ quan) khác sẽ vô hình trung phá bỏ đi cấu trúc của một CTCP mà pháp luật đã quy định. Đặc biệt, nếu những CTCP này là công ty đại chúng thì việc điều chỉnh/sửa đổi các chức năng của các cơ quan/vị trí này lại càng không nên được chấp nhận.

Vậy việc áp dụng cơ cấu tổ chức của một CTCP theo luật định có tầm quan trọng như thế nào và nếu điều lệ của một số công ty, như đã kể ra trên đây, đang trao cho Chủ tịch HĐQT những quyền quản lý, điều hành hành khác thì sẽ có bất cập gì? Hãy cùng phân tích từng trường hợp cụ thể:

  • Trong trường hợp Chủ tịch HĐQT thực hiện một phần chức năng của HĐQT: Theo luật định, HĐQT là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty[3]. Vai trò quan trọng như vậy đòi hỏi mỗi quyết định mà HĐQT đưa ra luôn phải được xem xét một cách thấu đáo, đặc biệt là tôn trọng tính khách quan. Vì vậy, HĐQT luôn phải duy trì tối thiểu 03 thành viên và việc thông qua bất kỳ một quyết sách nào cũng phải được đa số thành viên bỏ phiếu chấp thuận. Như vậy, khi Chủ tịch HĐQT thực hiện một phần chức năng của HĐQT thì quyền quyết định một số vấn đề sẽ đặt vào tay một cá nhân, khi ấy tính khách quan sẽ mất đi. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi cá nhân Chủ tịch HĐQT có xung đột về lợi ích với (các) thành viên HĐQT khác hoặc với (các) cổ đông của công ty vì khi đó những quyết định của Chủ tịch HĐQT sẽ không vì lợi ích chung, lợi ích của “đa số” mà sẽ có xu hướng vì lợi ích của chính Chủ tịch HĐQT.
  • Với trường hợp Chủ tịch HĐQT thực hiện một phần hay toàn bộ chức năng của Giám đốc/Tổng giám đốc: Như đã phân tích ở phần trên, Giám đốc/Tổng giám đốc là người tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT và Chủ tịch HĐQT đóng vai trò là người giám sát việc quá trình thực hiện này. Do đó, nếu Chủ tịch HĐQT là người đảm nhiệm chức năng tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của HĐQT; chỉ đạo điều hành các công việc kinh doanh hàng ngày thì cơ chế giám sát sẽ không còn nữa. Việc mất đi yếu tố theo dõi và kiểm tra như vậy sẽ không lấy gì đảm bảo việc quá trình thực thi diễn ra đúng yêu cầu và không có sai phạm. Một yếu tố quan trọng nữa là cơ chế chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật của Giám đốc/Tổng giám đốc. Sẽ là rất nguy hiểm nếu điều lệ chỉ trao quyền mà quên ghi nhận vấn đề “chịu trách nhiệm” của Chủ tịch HĐQT thì những sai phạm rất dễ xảy ra và khi xảy ra sẽ không có chế tài để xử lý.

Chính xác là việc trao quyền quản lý, điều hành cho Chủ tịch HĐQT trong những trường hợp kể trên có rất nhiều điểm bất cập. Những quy định mang tính chất biến thể như vậy trong điều lệ của một số CTCP đại chúng hiện nay đã loại bỏ đi tính khách quan trong việc đưa ra các quyết định, vô hiệu hóa cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong bộ máy điều hành của công ty. Đáng nói hơn, khi quyền lực được tập trung vào tay một thực thể mà bản chất thực thể đó không được pháp luật quy định thực thi các quyền này thì hành vi lạm quyền rất dễ xảy vì không có một cơ chế chặt chẽ để đảm bảo thực thể đó có thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình hay không.

Không phải ngẫu nhiên mà đối với công ty đại chúng – một mô hình CTCP có quy mô lớn về vốn, tài sản và số lượng cổ đông – pháp luật đều có quy định Chủ tịch HĐQT không được kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc. Quy định này nhằm mục đích hạn chế tập trung quá nhiều quyền hành vào tay một cá nhân[4] vì nếu để xảy ra thì tính độc lập, khách quan trong việc đưa ra quyết định và thực thi các nhiệm vụ trong quá trình quản lý, điều hành công ty sẽ không được đảm bảo, dẫn đến quyền và lợi ích của các cổ đông đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Với những CTCP có các cổ đông tổ chức, đặc biệt là tổ chức do nhà nước nắm quyền quản lý, những ảnh hưởng này thậm chí còn lớn hơn và nghiêm trọng hơn. Trong những công ty này, việc xem xét để xây dựng, phê duyệt các bản điều lệ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật là hết sức trọng yếu vì nếu quyền giám sát và quyết định của HĐQT không được đảm bảo thì sẽ dẫn đến những thiệt hại mà nhà nước và/hoặc tổ chức đó không thể kiểm soát, nguy cơ thất thoát vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là không thể tránh khỏi.

Điều lệ Công ty có thể đứng trên Luật?

Luật Doanh nghiệp là một đạo luật mang tính mở, trong một số trường hợp, đạo luật này cho phép các chủ sở hữu của các loại hình công ty được phép lựa chọn phương thức trong việc tổ chức công ty hoặc cách thức, tỷ lệ tham gia ra quyết định. Điều này thể hiện quan điểm nhà nước, pháp luật sẽ không can thiệp quá sâu vào công tác tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và tham gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng đang có những hiểu lầm căn bản về “tính mở” của các quy định trong Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp quan niệm rằng nếu không có những quy định cấm cụ thể trong luật thì các chủ sở hữu, cổ đông có thể tùy ý thay đổi các quy định của luật trong Điều lệ công ty. Điển hình như việc ĐHĐCĐ làm thay chức năng của HĐQT trong việc lựa chọn Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐQT làm thay một phần chức năng của HĐQT; Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch HĐTV làm thay chức năng của Giám đốc/Tổng Giám đốc; v.v. Vì sao lại coi đây là những hiểu lầm căn bản?

Thứ nhất, cần phải xác định rằng Luật Doanh nghiệp dù là một đạo luật mở thì nó vẫn là một đạo luật chứa đựng các quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung. Ngay tại Điều 1, Luật Doanh nghiệp 2020 đã ghi nhận rằng “Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp…”. Như vậy trước hết cần thấy rằng các đối tượng mà đạo luật này áp dụng tới cần tuân thủ các quy định của nó. Các yếu tố mở, quy định mở trong đạo luật sẽ được gắn với các dấu hiệu cụ thể trong nội dung của quy phạm đó, thông thường được thể hiện qua các cụm từ như “Công ty có thể ….; nếu Điều lệ Công ty không quy định khác…; trong trường hợp Điều lệ Công ty không quy định khác…; ….hoặc một tỷ lệ khác do Điều lệ Công ty quy định.”. Nghiên cứu toàn văn của Luật Doanh nghiệp các thời kỳ chúng ta đều thấy rằng các cụm từ này xuất hiện rất nhiều lần, nó thể hiện về tính cởi mở và cho phép các chủ sở hữu, cổ đông công ty được phép lựa chọn những nội dung hoặc quy định phù hợp nhất cho doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, ngoài những quy phạm cho phép công ty được lựa chọn đó ra, thì các nội dung khác mà luật đã quy định, các chủ sở hữu, cổ đông phải tuân thủ mà không được phép tùy nghi sửa đổi.

Thứ hai, các doanh nghiệp không nên hiểu nhầm rằng nếu luật không có quy định cấm cụ thể thì Điều lệ có thể quy định khác đi những quy phạm pháp luật đã được ghi nhận trong luật. Ví dụ như Luật Doanh nghiệp không có quy định cấm HĐQT thực hiện chức năng điều hành các công việc kinh doanh hàng ngày của CTCP nên ĐHĐCĐ có thể quy định điều này trong Điều lệ Công ty. Hiểu như vậy là không đúng vì việc áp dụng như vậy thì các Công ty có thể tùy tiện thay đổi chức năng của các chức danh quản lý, các thiết chế trong một doanh nghiệp và dẫn đến vô hiệu hóa các quy phạm pháp luật quy định về tổ chức quản lý của một doanh nghiệp đã được ấn định trong luật. Nếu điều này trở nên phổ biến, sẽ có CTCP sẵn sàng quy định Ban kiểm soát có chức năng điều hành, và Giám đốc/Tổng Giám đốc có chức năng kiểm soát các hoạt động của HĐQT.

Những phân tích trên đây cho thấy rằng việc một số doanh nghiệp mà cụ thể là một số các CTCP đại chúng thông qua những bản Điều lệ với những nội dung sai khác so với Luật Doanh nghiệp là không đúng và là hành vi vi phạm pháp luật doanh nghiệp. Đặc biệt, việc sửa đổi chức năng, vai trò của của các vị trí quản lý doanh nghiệp, các thiết chế quản lý trong từng doanh nghiệp đơn cử như việc quy định Chủ tịch HĐQT trong các CTCP đại chúng có chức năng chỉ đạo điều hành các công việc kinh doanh hàng ngày của CTCP đại chúng là vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp và pháp luật về chứng khoán.

Lời kết

Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán được thiết kế nhằm hướng đến xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh văn minh và minh bạch, hạn chế tối đa các hành vi lạm quyền và thao túng quyền lực của các cá nhân quản lý trong các CTCP đại chúng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết để ngăn chặn sớm những hành vi quy định những nội dung trái luật của Điều lệ vì việc để các CTCP đại chúng tùy tiện trong việc ban hành các bản Điều lệ này sẽ là cơ sở để các cá nhân lạm dụng thẩm quyền gây thiệt hại tới nguồn vốn đầu tư của các cổ đông, các tổ chức, cá nhân vào các CTCP này, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư nói chung và tài sản của các nhà đầu tư nói riêng.

Luật sư Trần Công Minh – Công ty Luật TNHH Penfield


[1] Luật doanh nghiệp, Điều 156, Khoản 3.

[2] Luật doanh nghiệp, Điều 162, Khoản 3.

[3] Luật doanh nghiệp, Điều 153, Khoản 1.

[4] Luật doanh nghiệp, Điều 156, Khoản 2; Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, Điều 275, Khoản 2.

Để lại bình luận