I. Quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ và quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu trước thời điểm Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực
1. Chào bán cổ phần riêng lẻ
Thuật ngữ “chào bán cổ phần riêng lẻ” lần đầu tiên được nhắc đến tại Luật doanh nghiệp năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2006). Căn cứ Khoản 1, Điều 4, Nghị định 01/2010/NĐ-CP[1], chào bán cổ phần riêng lẻ được định nghĩa là việc chào bán cổ phần hoặc quyền mua cổ phần trực tiếp và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho một trong các đối tượng bao gồm: a) Các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; b) Dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo định nghĩa trên, chào bán cổ phần riêng lẻ được hiểu khái quát thông qua 03 đặc điểm gồm:
– Thứ nhất, đây là một phương thức huy động vốn/tăng vốn (điều lệ) của một công ty cổ phần (“CTCP”);
– Thứ hai, với chào bán cổ phần riêng lẻ, CTCP có thể huy động vốn từ các tổ chức/cá nhân khác không phải là cổ đông hiện hữu của công ty (tạm gọi là “phương thức huy động vốn từ bên ngoài”). Đây là điểm phân biệt phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ với phương thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu[2] – là phương thức CTCP huy động vốn từ các cổ đông đang nắm giữ cổ phần của công ty;
– Thứ ba, là phương thức huy động vốn từ bên ngoài được áp dụng cho các CTCP không phải là công ty cổ phần đại chúng (“Công ty đại chúng”)[3]. Bởi lẽ, Công ty đại chúng là một loại hình CTCP đặc thù, có (các) phương thức huy động vốn riêng được quy định theo Luật Chứng khoán.
2. Quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu
Quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu là quyền cho phép các cổ đông hiện hữu được ưu tiên mua cổ phần mới (tương ứng với tỷ lệ cổ phần mà cổ đông đó đang sở hữu) do CTCP phát hành. Ban đầu, quyền ưu tiên mua cổ phần chỉ áp dụng cho các cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông (theo quy định của Luật doanh nghiệp 1999 và Luật doanh nghiệp 2005). Theo đó, khi CTCP phát hành thêm cổ phần phổ thông mới thì các cổ đông (hiện hữu) phổ thông sẽ có quyền ưu tiên mua một lượng cổ phần tương ứng với số cổ phần phổ thông mà họ đang sở hữu.
Khi Luật doanh nghiệp 2014 ra đời, quyền ưu tiên mua cổ phần được mở rộng cho các cổ đông hiện hữu khác (bao gồm các cổ đông ưu đãi – là các cổ đông nắm giữ các loại cổ phần ưu đãi của CTCP). Theo đó, các cổ đông hiện hữu của CTCP sẽ có quyền được ưu tiên mua cổ phần khi công ty thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc có thể chuyển quyền ưu tiên mua này cho người khác.
Như vậy, kể từ thời điểm Luật doanh nghiệp 2014 trở về trước, quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu chỉ áp dụng khi CTCP thực hiện tăng vốn thông qua phương thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và không được nhắc đến trong trường hợp CTCP huy động vốn qua chào bán cổ phần riêng lẻ. Do đó, khi tổ chức chào bán cổ phần riêng lẻ, các CTCP sẽ không cần phải xem xét đến sự đồng ý (hoặc từ chối) quyền ưu tiên mua từ các cổ đông hiện hữu.
II. Quy định mới của Luật doanh nghiệp 2020 và những bất cập
Theo quy định mới của Luật Doanh Nghiệp 2020, trừ trường hợp sáp nhập và hợp nhất công ty, khi một CTCP không phải CTĐC dự định thực hiện một đợt chào bán cổ phần riêng lẻ thì các cổ đông hiện hữu phải được đề nghị mua số phần đó trước tiên[4]. Trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác. Đây là một điểm mới chưa được đề cập trong các Luật doanh nghiệp trước đây, tuy nhiên nó có thể gây ra một số bất cập cho CTCP khi thực hiện phương án tăng vốn bằng hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, cụ thể:
– Thứ nhất, việc yêu cầu phải có sự từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu khiến cho hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ không khác biệt gì mấy so với hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, do đó tạo nên sự trùng lặp giữa các hình thức huy động vốn trong CTCP. Với quy định trước đây, khi dự định tăng vốn, CTCP sẽ cần lựa chọn phương thức chào bán cổ phần phù hợp trong từng trường hợp cụ thể, ví dụ: phương thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu sẽ được lựa chọn khi công ty muốn phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông hiện hữu của mình, ngược lại nếu muốn huy động vốn từ nguồn vốn bên ngoài, công ty sẽ lựa chọn phương án chào bán cổ phần riêng lẻ. Tuy nhiên, với quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020, CTCP có thể lựa chọn một phương thức chào bán bất kỳ kể cả trong trường hợp muốn huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu hay từ các tổ chức/cá nhân bên ngoài. Chẳng hạn như trường hợp mục tiêu của công ty là huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu, tuy nhiên thay vì chọn phương thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) có thể thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, nhưng sau đó các cổ đông hiện hữu sẽ dùng quyền ưu tiên mua cổ phần của mình để mua hết lượng cổ phần mới mà công ty phát hành.
– Thứ hai, quy định này làm phức tạp hơn quy trình thực hiện phương án chào bán cổ phần riêng lẻ của CTCP. Chúng ta biết rằng, khi ĐHĐCĐ của CTCP đã thông qua phương án thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ thì các cổ đông hiện hữu đã nhất trí phương án huy động vốn từ nguồn vốn bên ngoài thay vì chủ động góp thêm vốn vào công ty, như vậy về cơ bản ý chí của các cổ đông là từ chối quyền mua ưu tiên mua cổ phần mà công ty sẽ phát hành mới. Do đó, việc phải gửi thông báo đến từng cổ đông và phải có văn bản thể hiện việc cổ đông từ chối quyền ưu tiên mua (như quy định tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 125 Luật doanh nghiệp 2020) sẽ làm quy trình thực hiện tốn nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt trong trường hợp CTCP có càng nhiều cổ đông thì quá trình thực hiện sẽ càng thêm vất vả.
– Thứ ba, quy định này có thể khiến ĐHĐCĐ không thực hiện được mục tiêu chào bán cho một (hoặc một số) nhà đầu tư tiềm năng. Cụ thể, nếu một hoặc một số cổ đông (chẳng hạn như những cổ đông không đồng thuận với ý kiến đa số cổ đông) không từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần của mình, thì lượng cổ phần mà ĐHĐCĐ dự kiến chia sẻ cho (các) nhà đầu tư tiềm năng sẽ không được đảm bảo. Hoặc tệ hơn, một số cổ đông có thể chuyển quyền ưu tiên mua của mình cho những tổ chức/cá nhân khác mà ĐHĐCĐ không mong muốn.
III. Tạm kết
Như vậy, thay vì làm rõ một điểm chưa rõ ràng, quy định mới của Luật doanh nghiệp 2020 đã vô hình trung làm giảm đi sự hiệu quả của một hình thức huy động vốn rất hữu ích cho các CTCP khi cần huy động vốn từ nguồn vốn bên ngoài. Luật doanh nghiệp 2020 cần có sự điều chỉnh lại theo hướng giống với Luật doanh nghiệp cũ hoặc nên chăng cần quy định bổ sung thêm (các) hình thức mang tính kết hợp giữa các hình thức tăng vốn sẵn có để làm tăng thêm sự lựa chọn cho các CTCP có được những phương án thực hiện ưu việt hơn.
Luật sư – Trần Công Minh
[1] Nghị định 01/2010/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 04 tháng 01 năm 2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ.
[2] “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu” được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 124, Luật doanh nghiệp 2014 và Luật doanh nghiệp 2020.
[3] “Công ty đại chúng” là một dạng công ty cổ phần được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 32, Luật Chứng khoán năm 2019.
[4] Căn cứ Khoản 2, Điều 125, Luật doanh nghiệp 2020.