COVID-19 CÓ ĐƯỢC COI LÀ YẾU TỐ BẤT KHẢ KHÁNG ĐỂ MIỄN TRỪ NGHĨA VỤ TRONG HỢP ĐỒNG?

Ngày 31/01/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC)về sự bùng phát chủng mới của virus corona tại Trung Quốc (Covid-19). Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch tại Việt Nam, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp, các dự án phải chuyển sang tình trạng hoạt động cầm chừng, các ngành nghề dịch vụ, sản xuất, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu… đều rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu, hạn chế di chuyển, thậm chí phải tạm ngừng giao dịch, khó khăn trong công tác tập trung nhân lực. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống để ứng biến với dịch, tuy nhiên không thể phủ nhận tác động tiêu cực mà dịch bệnh gây ra đối với hoạt động kinh doanh và đầu tư. Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là với những hợp đồng có ngành nghề chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, hoặc những hợp đồng quốc tế do dịch bệnh mà không thể thực hiện đúng theo thỏa thuận, có thể dựa vào yếu tố bất khả kháng để miễn trừ nghĩa vụ hợp đồng không?

Covid-19 có thể coi là sự kiện bất khả kháng (BKK)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, sự kiện BKK phải hội tụ đủ 03 điều kiện: (i) khách quan, (ii) không thể lường trước đượcvà (iii) không thể khắc phục được.

Đối chiếu với Covid-19:

  • Sự kiện xảy ra một cách khách quan: 2019 – nCoV xảy ra hoàn toàn nằm ngoài sự chi phối của các bên.
  • Sự kiện xảy ra không thể lường trước: yếu tố này phụ thuộc nhiều vào thời điểm ký kết hợp đồng giữa các bên để chứng minh việc không thể lường trước. Tại thời điểm ký hợp đồng, các bên không có thông tin về dịch bệnh tại Vũ Hán, thời điểm Chính phủ công bố dịch, thời điểm có lệnh cấm của cơ quan nhà nước khác…
  • Sự việc không thể khắc phục được: trong các thuộc tính của của trường hợp BKK thì thuộc tính này được coi là yếu tố quyết định đến việc có thể áp dụng tình huống BKK hay không. Việc không thể khắc phục có thể do quyết định của cơ quan nhà nước về việc cấm các chuyến bay, hạn chế giao dịch tại vùng biên giới, phong tỏa khu vực có người nghi nhiễm bệnh,…

Như vậy, Covid-19 có đầy đủ cơ sở để có thể coi là sự kiện BKK. Cần lưu ý tìm kiếm các văn bản/tài liệu liên quan đến sự kiện do cơ quan có thẩm quyền ban hành, các bài báo/tin tức chính thức được phát hành bởi các cơ quan truyền thông chính thống… sẽ có giá trị chứng minh tốt hơn là chỉ nêu sự kiện mà không có văn bản chứng minh.

Hệ quả của Sự kiện BKK “Covid-19”

Theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng.

Ngoài ra, điểm b, Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng quy định, nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên không thực hiện được hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm. Các bên cũng có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 296 Luật Thương mại 2005.

Một điểm lưu ý nữa đối với Bên bị ảnh hưởng bởi SKBKK: cần lưu ý về thời hạn thông báo cho Bên còn lại về Sự kiện BKK và cân nhắc đến việc Bên còn lại có thể áp dụng chế định tại Điều 296 Luật Thương mại 2005.

Covid-19 cũng có thể coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản?

Tại Bộ luật Dân sự năm 2015 xuất hiện chế định về “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Điều 420, đây là một chế định mới mẻ và khá tiến bộ so với Bộ luật Dân sự 2005. Về cơ bản, một “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” được cấu thành khá giống với sự kiện BKK. Điểm phân biệt cơ bản của hai khái niệm này chủ yếu nằm ở tác động của sự kiện đối với bên bị ảnh hưởng.

Đối với sự kiện BKK, việc thực hiện đúng hoặc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như trong thoả thuận/hợp đồng là không thể, bởi sự kiện diễn ra đã cản trở việc tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đó mặc dù bên chịu thiệt hại đã áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.

Đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng theo các điều kiện cũ sẽ gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho một bên. Khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản thì bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng, nhằm thay đổi nội dung hợp đồng đã được ký kết để đảm bảo lợi ích của các bên.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp Covid-19 đều được coi là sự kiện BKK. Việc áp dụng quy định về sự kiện BKK hay hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể khi các bên ký kết hợp đồng và mục đích mà các bên hướng tới.

Để lại bình luận