COVID-19 – XỬ LÝ MẠNH TAY NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG KHAI BÁO, GIAN DỐI, KHÔNG CÁCH LY

Được Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của loại virus Covid-19 là “bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”, do đó mà, chỉ cần một vài cá nhân thiếu ý thức, trách nhiệm trong khai báo y tế có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là những trường hợp đáng phải lên án và cần phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi gian dối, không trung thực của mình. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về những hành vi nghiêm cấm trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như các chế tài xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.”

Việc có người khai báo y tế gian dối, nhỏ giọt, không tuân thủ lệnh cách ly hay biết mình đã bị nhiễm bệnh Covid-19 mà bản thân không khai báo y tế mà vẫn tiếp xúc với mọi người khiến dịch bệnh lây lan rộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, tùy tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi đó.

Về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, hiện Nghị định 176/2013/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(Điều 6)

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

(Điều 10)

Nghiêm trọng hơn, hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, hành vi trên có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01-12 năm tùy vào hậu quả từ hành vi của người đã, đang và sẽ gây ra. Cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định chi tiết đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các trường hợp khác liên quan đến tác nhân là con người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Do đó, để có căn cứ đầy đủ, chi tiết hơn để xử lý hình sự đối với người có các hành vi như trên làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, cơ quan chức năng cần ban hành một số hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quy định của pháp luật nước ta về vấn đề không khai báo, khai báo gian dối, không chấp hành cách ly trong thời gian dịch Covid-19 cũng là xu hướng chung tại nhiều các quốc gia khác trên thế giới.

Trước diễn biến phức tạp do dịch Covid-19 gây ra mà Chính phủ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Ý… đã đưa ra những quy định nghiêm khắc từ phạt hành chính đến phạt tù đối với các cá nhân vi phạm quy định về cách ly, kiểm dịch.

Tại Trung Quốc – tâm dịch đầu tiên của thế giới, vào ngày 6/2, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an, và Bộ Tư pháp Trung Quốc đã cùng ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để xử phạt hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo hướng dẫn, người nào đã nhiễm hoặc bị nghi nhiễm Covid-19 mà từ chối cách ly, hoặc ra khỏi nơi cách ly và đi đến nơi công cộng, sẽ bị xử phạt tới 10 năm tù về tội Gây nguy hiểm tới an toàn công cộng. Ngoài ra, người nào không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khiến bệnh phát tán hoặc có nguy cơ phát tán cao sẽ bị xử lý về tội Ngăn cản công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm với mức phạt cao nhất lên đến 07 năm tù. Nếu chủ thể là tổ chức, hình phạt là phạt tiền. Tuy nhiên, người trực tiếp quản lý cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân tương ứng[1].

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lan nhanh không kiểm soát từ “siêu bệnh nhân” số 31, vào ngày 26/2, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật nhằm chống lại sự bùng phát dịch. Theo đó, những bệnh nhân cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến một năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (khoảng 8.300 USD)[2].

Tại Singapore, bất kỳ ai vi phạm đạo luật về các bệnh truyền nhiễm của nước này cũng có thể bị phạt lên tới 10.000 đôla Singapore hoặc 6 tháng tù dù là lần đầu vi phạm. Bộ Y tế Singapore nhắc nhở công chúng rằng dưới đạo luật này, bất kỳ ai che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác về lịch sử đi lại đều phạm tội[3]. Không chỉ vậy, mới đây, cơ quan Kiểm soát vấn đề nhập cư Singapore (ICA) đã thông báo sẽ tước thẻ cư trú dài hạn đồng thời cấm nhập cảnh với những ai không thực hiện lệnh cách ly tại nhà, điển hình như vụ việc người đàn ông 45 tuổi được gửi thông báo yêu cầu cách ly vì trước đó đã đến Trung Quốc nhưng mà lại không chấp hành[4].

Theo tin tức từ Thông tấn xã Việt Nam, Chính quyền thành phố Moskva của Nga quy định, quy định, những người trở về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và những nước khác nếu có các dấu hiệu nhiễm bệnh nên tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Những người không tuân thủ quy định này có thể bị phạt nặng tới 5 năm tù.

Ở Úc, tuỳ theo từng bang mà nếu vi phạm lệnh cách ly sẽ có những mức phạt khác nhau. Bang New South Wales phạt đến 5.500 đôla Úc với hành vi không chấp hành các quy định về y tế, tăng lên đến 11.000 đô và 6 tháng tù nếu cung cấp thông tin sai để né việc tuân thủ quy định về y tế. Bang Queensland có thể phạt hành chính người vi phạm đến 13.345 đôla. Bang Nam Úc có thể phạt người vi phạm các yêu cầu về y tế đến 25.000 đôla. Bang Tây Úc trừng phạt những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng đến 50.000 đôla hoặc tối đa 1 năm tù[5].

———–

Theo đánh giá của Penfield, mức phạt hành chính của Việt Nam theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP tương đương khoảng 7,4 – 15% thu nhập trung bình của người lao động trong 1 năm (theo VnExpress, thu nhập trung bình của lao động Việt Nam năm 2019 là 2.904 USD/năm), trong khi đó, nếu bị khởi tố hình sự thì khung phạt tiền khá cao, mức phạt tối thiểu tương đương khoảng 70% thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam.

So sánh cùng các nước khác, mức phạt của các nước láng giềng dao động ở các mức thấp hơn, ví dụ: Úc phạt từ 13,4 – 60% thu nhập trung bình, Hàn Quốc phạt tương đương khoảng 26% thu nhập trung bình, Singapore phạt khoản tiền tương đương khoảng 18% thu nhập trung bình năm 2019 của người dân.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng mức phạt này là phù hợp và cần thiết bởi nó bảo đảm tính răn đe và tôn trọng pháp luật, răn đe chung mang tính phòng ngừa, chế ngự khả năng xuất hiện hành vi vi phạm và răn đe cụ thể là những tác động mang tính thực tế đối với người có hành vi vi phạm, tránh tái diễn hành vi sai trái. Tuy nhiên, khi quyết định áp dụng chế tài với từng cá nhân cụ thể, các cơ quan nhà nước cũng sẽ có sự cân nhắc và đưa ra quyết định thích hợp, đảm bảo tính khách quan, công bẳng và tôn trọng pháp luật.

Tại Việt Nam, những hành vi không trung thực khi khai báo y tế của Bệnh nhân số 17 tại Hà Nội, bệnh nhân 34 “siêu lây nhiễm” ở Bình Thuận, hay trường hợp 5 người nhà bệnh nhân số 35 trốn cách ly tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, cùng với rất nhiều trường hợp chống đối, đưa ra yêu cầu quá đáng khi được vận động cách ly đã khiến cộng đồng xã hội vô cùng bức xúc. Tuy chúng ta chưa áp dụng chế tài đối với các hành vi này, nhưng trong thời gian tới chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay xử lý đối với các biểu hiện chống đối, đảm bảo tính răn đe và tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn.


[1] Quốc Đạt (2020), Báo VnExpress, Trốn cách ly sẽ bị phạt tù ở Trung Quốc, <https://vnexpress.net/phap-luat/tron-cach-ly-se-bi-phat-tu-o-trung-quoc-4066766.html>, truy cập ngày 24/03/2020;

[2] Đinh Phạm (2020), Báo Zing, Hàn Quốc phạt tù, Singapore tước thẻ cư trú người trốn cách ly, <https://news.zing.vn/han-quoc-phat-tu-singapore-tuoc-the-cu-tru-nguoi-tron-cach-ly-post1056648.html>, truy cập ngày 24/03/2020;

[3] Bảo Anh (2020), Báo Tuổi trẻ, <https://tuoitre.vn/neu-lam-lay-lan-dich-benh-se-bi-xu-ly-hinh-su-20200308094359999.htm>, truy cập ngày 24/03/2020;

[4] Đinh Phạm (2020), Báo Zing, Hàn Quốc phạt tù, Singapore tước thẻ cư trú người trốn cách ly, <https://news.zing.vn/han-quoc-phat-tu-singapore-tuoc-the-cu-tru-nguoi-tron-cach-ly-post1056648.html>, truy cập ngày 24/03/2020;

[5] Hồng Vân (2020), Báo Tuổi trẻ, Úc: Vi phạm yêu cầu tự cách ly sẽ bị phạt 50.000 đôla, <https://tuoitre.vn/uc-vi-pham-yeu-cau-tu-cach-ly-se-bi-phat-50-000-dola-20200316070842427.htm>, truy cập ngày 24/03/2020;

Để lại bình luận