DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ 2020: KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ NĐT NƯỚC NGOÀI VÌ AN NINH QUỐC PHÒNG

Trong các kỳ họp gần đây, Quốc hội đang dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác. Trong đó, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi lẽ, đây là dự luật tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, góp phần quyết định trong việc Việt Nam có thể tiếp nhận làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 hay không.

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án đầu tư, đảm bảo yếu tố “an ninh quốc phòng”. Cụ thể như sau:

  1. Sẽ có danh mục ngành hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài

Theo thông tin đăng tải trên Thời báo Tài chính Việt Nam – đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính, chiều 26/5/2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày tại Quốc hội về Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đa số ý kiến đại biểu nhất trí bổ sung quy định về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và nguyên tắc xác định các ngành, nghề này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần phải rà soát, đối chiếu kỹ với các cam kết quốc tế có liên quan, bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đầu tư song phương và các cam kết khác có thể thay đổi hoặc sẽ đàm phán trong tương lai. Đồng thời, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể loại địa bàn hạn chế đầu tư nước ngoài.

Tiếp thu các đóng góp ý kiến của các đại biểu, UBTVQH đã bổ sung khoản 3 Điều 9 quy định căn cứ và giao Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

  1. Căn cứ yêu cầu bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong giai đoạn này là hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài, cụ thể là nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua các hình thức này. Nhà đầu tư nước ngoài có thể bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Đây là một quy định hoàn toàn mới so với Luật Đầu tư 2014, thể hiện sự đặt mục tiêu bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia mạnh mẽ của Việt Nam.

Hiện nay, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát các điều kiện về quốc phòng, an ninh như: Cấm cá nhân, tổ chức người Việt đứng tên hộ người nước ngoài trong giao dịch đất đai. Kiểm soát hoạt động tín dụng, cho vay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản…

  1. Xử lý những bất cập trong chuyển nhượng dự án đầu tư

Theo UBTVQH, việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh.

Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, thời gian qua, vấn đề chuyển nhượng dự án phát sinh rất nhiều bất cập mà không thể xử lý được do quy định về điều kiện chuyển nhượng dự án rất dễ dàng. Trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án mà chỉ để chuyển nhượng lại dự án hưởng chênh lệch. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện để kiểm soát hoạt động chuyển nhượng dự án, tương tự như đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo việc đề xuất dự án là thực chất, không phải lập dự án để chuyển nhượng hưởng chênh lệch như hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp về nội dung kiểm soát quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã có một số quy định để đảm bảo an ninh, tránh đầu tư núp bóng, đầu tư chui, kiểm soát đầu tư tại các địa bàn yếu tố nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, tiếp thu các ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để có chính sách quản lý phù hợp hơn, mạnh hơn về vấn đề này. Tới đây, trong chỉ thị mới về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới sắp được ban hành cũng sẽ lồng ghép một số chính sách mới để đảm bảo thu hút vốn đầu tư nước ngoài đúng mục tiêu, mục đích.

Để lại bình luận