HƯỚNG DẪN MỚI VỀ THỰC HIỆN ỦY THÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Ngày 01/05/2020, Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự chính thức có hiệu lực. Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 33/2020/NĐ-CP sẽ thay thế Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP liên quan đến việc ủy thác thi hành án dân sự, cụ thể như sau:

Trên cơ sở bản án, quyết định được thi hành hoặc kết quả xác minh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. So với trước đây, quy định mới đã mở rộng phạm vi xác định cơ quan thi án không còn chịu giới hạn bởi nơi có tài sản, mà cả nơi làm việc, cư trú hoặc có trụ sở của người phải thi hành án. Quy định này đã góp phần giải quyết những khó khăn phát sinh trong thực tiễn khi việc xác định nơi có tài sản của người phải thi hành gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Nghị định 33/2020/NĐ-CP cũng quy định trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ủy thác theo thứ tự:

  • Theo thỏa thuận của đương sự;
  • Nơi có tài sản đủ để thi hành án;
  • Nơi có tổng giá trị tài sản lớn nhất (Hiện hành quy định trường hợp tài sản không đủ để thi hành án thì ủy thác đến nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất).

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho quá trình thi hành án diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, Nghị định 33/2020/NĐ-CP còn bổ sung quy định nhằm giải quyết trường hợp tài sản đang xử lý thi hành án thì có tranh chấp: “Trường hợp tài sản đang xử lý để thi hành án nhưng có tranh chấp và đã được tòa án thụ lý giải quyết mà đương sự có tài sản ở địa phương khác thì ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản để thi hành án.”

Đồng thời, khoản 9, Điều 1 của Nghị định sửa đổi cũng tiến hành quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, quy trình, thủ tục tiến hành thực hiện ủy thác thi hành án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực thi pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

Như vậy, nhằm khắc phục những bất cập, thiếu sót của Nghị định 62/2015/NĐ-CP liên quan đến việc ủy thác thi hành án, Nghị định 33/2020/NĐ-CP đã có những thay đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện pháp luật, đảm bảo quá trình thi hành diễn ra hiệu quả, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể.

Để lại bình luận