SỞ HỮU CHÉO CỔ PHẦN THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP

Trong kinh doanh, các doanh nhân thường tìm tòi và sáng tạo ra nhiều cách thức và tổ chức doanh nghiệp khác nhau để tối ưu được lợi nhuận, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của mình. Sở hữu chéo cổ phần [1] giữa các doanh nghiệp là một trong nhiều cách thức tối ưu hóa đó. Hình thức sở hữu này mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp nhưng nó cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực cho doanh nghiệp nếu như không có những quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Định nghĩa về sở hữu chéo

Sở hữu chéo được hiểu đầy đủ là sở hữu chéo cổ phần mà theo đó hai công ty đều là cổ đông [2] của nhau. Tại Việt Nam, thuật ngữ “sở hữu chéo” trước đây chỉ được đề cập đến như là một thuật ngữ kinh tế cùng với “đầu tư chéo” và chỉ được đề cập đến trong lĩnh vực ngân hàng. Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2014 được ban hành đã đưa thuật ngữ “sở hữu chéo” thành thuật ngữ pháp lý khi được đề cập đến lần đầu tiên tại Điều 189. Tuy nhiên, LDN lại không giải thích thế nào là sở hữu chéo mà phải đến Nghị định 96/2015/NĐ-CP mới đưa ra định nghĩa “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau[3]. Quy định này của Nghị định 96/2015/NĐ-CP phù hợp với đa số các nghiên cứu về sở hữu chéo, nhưng vì sở hữu chéo là một mô hình phức tạp và có nhiều “biến thể” khác cũng được xếp vào dạng mô hình này. Một số mô hình được biết đến như: mô hình dạng vòng, mô hình có doanh nghiệp trung tâm, mô hình dạng lưới,…, mô hình theo định nghĩa nêu trên là mô hình đơn giản nhất. LDN năm 2020 được ban hành tiếp tục kế thừa toàn bộ nội dung quy định này nhưng cũng giống LDN năm 2014 chỉ đề cập mà không giải thích thế nào là sở hữu chéo. Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật doanh nghiệp 2020 đồng thời thay thế Nghị định 96/2015/NĐ-CP đã loại bỏ định nghĩa về sở hữu chéo. Do đó định nghĩa nêu trên có thể dùng để tham khảo và hiểu một cách cơ bản về sở hữu chéo.

Giới hạn tỷ lệ sở hữu chéo

Từ Luật Doanh nghiệp 2014 đến 2020, nhà làm luật chỉ đưa ra một điều quy định về sở hữu chéo đó là Điều 195.2 và 195.3 (LDN 2020) về công ty mẹ, công ty con. Theo đó Điều 195.2 không cho phép các công ty con sở hữu cổ phần của công ty mẹ và các công ty con của cùng một công ty mẹ được sở hữu cổ phần của nhau. Ở đây, nhà làm luật đi theo một chiều “từ trên xuống” đó là “con” không được tác động hoặc có ảnh hưởng đến “mẹ” (công ty con không được mua cổ phần của công ty mẹ) và các “con” là ngang hàng và cũng không được tác động hoặc có ảnh hưởng với nhau (các công ty con của cùng một công ty mẹ không được sở hữu cổ phần của nhau). Điều 195.3 quy định các hạn chế đối với các “doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên[4]. Những doanh nghiệp này không được: (i) cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới; hoặc (ii) cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập; hoặc (iii) cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập [5]. Như vậy, có thể hiểu rằng đối ngoài hai đối tượng thuộc trường hợp công ty mẹ, công ty con và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ thì các doanh nghiệp khác không có hạn chế nào khác trong việc sở hữu chéo cổ phần của nhau và trường hợp tỷ lệ sở hữu chéo lên đến 50% là có thể xảy ra.

Tác động của hiện tượng (mô hình) sở hữu chéo

Hiện tượng sở hữu chéo do các doanh nhân sáng tạo ra do sự vận động và phát triển của nền kinh tế nên chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích, tác động tích cực. Sở hữu chéo giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí giao dịch có liên quan. Các chi phí có thể liệt kê như: chi phí và thời gian  đàm phán, soạn thảo hợp đồng, chi phí và thời gian tìm hiểu thông tin, khảo sát đối tác… Khi các bên đã là cổ đông của nhau thì việc nắm bắt các thông tin cũng như tình hình sản xuất của doanh nghiệp là dễ dàng giúp cho nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp với tình hình của doanh nghiệp. Sở hữu chéo còn giúp các doanh nghiệp tạo ra một “hệ sinh thái” doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh lực và công đoạn của sản xuất, kinh doanh, giúp cho việc đưa sản phẩm, dịch vụ đến nhanh hơn với người tiêu dùng. Một lợi ích lớn nữa đó là tạo sự ổn định ở mức độ nhất định trong quản trị của doanh nghiệp. Các chức danh chủ chốt, chức danh quản lý được ổn định trong một khoảng thời gian đủ lâu để doanh nghiệp có thể theo đuổi và tạo ra giá trị lâu dài hơn. Nếu các cổ đông luôn có mâu thuẫn về việc bình bầu, bổ nhiệm các chức danh quản lý thì ít nhiều cũng tạo nên sự xáo trộn trong quản lý và điều hành doanh nghiệp và ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh những lợi ích, tác động tích cực của hiện tượng này thì khi các doanh nghiệp lạm dụng sở hữu chéo quá mức, tất yếu sẽ nảy sinh ra nhiều tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong hệ thống nói riêng và các chỉ số quản trị doanh nghiệp của nền kinh tế nói chung. Tại bài viết này, tác giả chỉ phân tích ba tác động tiêu cực chính có tác động rất lớn đến các chủ thể có liên quan.

Đầu tiên phải nói đến vốn, vốn là nguồn “nuôi sống” và duy trì các hoạt động của doanh nghiệp. Vốn của công ty được hình thành dựa trên sự đóng góp của các cổ đông – có nghĩa là cổ đông góp càng nhiều thì vốn của công ty phải càng lớn sẽ tương ứng với sự tăng lên về tiền mặt, tài sản của doanh nghiệp [6]. Khi mô hình sở hữu chéo được chủ động áp dụng, trong phần lớn trường hợp, sẽ tạo nên vốn “ảo” – vốn chỉ được thể hiện trên giấy tờ – khiến cho vốn của doanh nghiệp lớn hơn giá trị thực tế (thực góp) mà doanh nghiệp đang có, đồng nghĩa với việc tài sản của doanh nghiệp không tương đương với những gì được thể hiện trên sổ sách. Điều này làm cho việc đánh giá tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp không còn chính xác nữa.

Thứ hai, sở hữu chéo ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ. Từ định nghĩa về sở hữu chéo có thể suy ra rằng việc sở hữu chéo cổ phần thực chất là một giao dịch “trao đổi” về vốn – tức là tiền nói chung hay tài sản nói riêng được đem đi góp rồi lại trở về chính doanh nghiệp đi góp khi doanh nghiệp được góp lại mang tiền hoặc tài sản đi góp ngược lại doanh nghiệp đã là cổ đông của mình. Công ty cổ phần với đặc điểm là loại hình doanh nghiệp đối vốn, mỗi cổ đông là chủ sở hữu một phần công ty và góp vốn đầu tư thì cổ đông luôn mong muốn nhận được lợi nhuận từ việc đầu tư này. Tuy nhiên, mô hình sở hữu chéo theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng những doanh nghiệp thuộc hệ thống mô hình này tạo ra lợi nhuận trung bình ít hơn so với những doanh nghiệp không nằm trong mô hình này. Lý do là có sự xoay tròn về vốn, dòng tiền tạo ra lợi nhuận và lợi nhuận được phân phối luân chuyển qua lại giữa các doanh nghiệp khiến cho khoản lợi nhuận mà các cổ đông nhận được sẽ thấp hơn. Một quyền lợi nữa rất lớn bị ảnh hưởng đó là quyền biểu quyết của các cổ đông nhỏ lẻ. Mô hình sở hữu chéo sẽ vi phạm đến nguyên tắc “một cổ phần một quyền biểu quyết” (one share one vote) nếu như mô hình này được dàn xếp có chủ đích. Giao dịch “trao đổi” về vốn có thể hiểu rằng khoản tiền góp vốn sẽ đến công ty được góp sau đó lại trở về (toàn bộ hoặc một phần) công ty đã góp. Việc làm này không làm tăng tài sản thực chất của doanh nghiệp nhưng quyền sở hữu cổ phần, quyền biểu quyết của doanh nghiệp (cổ đông) góp vốn lại tăng lên mà không tương ứng với khoản đầu tư đã bỏ ra.  Điều này đồng nghĩa với việc khi phải thực hiện biểu quyết thì quyết định của những cổ đông này sẽ có trọng lượng, tác động lớn hơn đến quyết nghị cuối cùng của công ty vì vậy thay vì đưa ra các quyết định có lợi cho toàn thể cổ đông thì họ lại biểu quyết những quyết định có lợi hơn cho mình.

Thứ ba, sở hữu chéo có thể “phân phối” khủng hoảng đến tất cả các doanh nghiệp trong mạng lưới này một cách nhanh chóng. Các doanh nghiệp trong hệ thống sở hữu chéo là một “hệ sinh thái” đa dạng ở nhiều giai đoạn kinh doanh, sản xuất khác nhau liên kết với nhau, sự liên kết này sẽ mang đến ưu thế rằng sản phẩm, dịch vụ mới sẽ dễ dàng và nhanh chóng đến tay người tiêu dùng hơn là chỉ một doanh nghiệp làm tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp gặp khủng hoảng hoặc vấn đề rủi ro lớn thì các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái này sẽ bị ảnh hưởng. Tham khảo định nghĩa về sở hữu chéo được nêu trên thì khi một doanh nghiệp gặp biến động khiến cho giá trị của công ty tăng hoặc giảm thì các doanh nghiệp khác cũng sẽ ghi nhận tăng hoặc giảm tương ứng với số cổ phần nắm giữ, số lượng hoặc tỷ lệ nắm giữ cổ phần lớn thì giá trị ghi nhận về tài sản của doanh nghiệp tương ứng cũng sẽ là lợi nhuận hoặc lỗ từ hoạt động đầu tư. Trường hợp đây là các doanh nghiệp niêm yết thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều bởi thị trường chứng khoán là thị trường có mức độ “nhạy cảm” rất cao và việc phản ánh vào giá (làm giảm giá trị) cổ phiếu của một hoặc các doanh nghiệp trong cùng ngành cũng sẽ rất mạnh khi xuất hiện thông tin có xu hướng tiêu cực. Còn ở chiều ngược lại, các thông tin mang xu hướng tích cực phản ánh rất chậm hoặc thậm chí có trường hợp không phản ánh vào giá cổ phiếu một cách nhanh chóng như thông tin tiêu cực. Vì vậy, có thể thấy rằng, thay vì một doanh nghiệp bị tác động thì các doanh nghiệp nằm trong “hệ sinh thái” sở hữu chéo sẽ cùng bị tác động. Các tác động tiêu cực này sẽ được “khuếch tán” rộng hơn nữa nếu rơi vào các doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực và vô hình trung đã vô hiệu hóa đi tác động tích cực của sở hữu chéo mang lại.

Hạn chế của pháp luật và một số kiến nghị hoàn thiện

Như đã đề cập đến tại các nội dung bên trên, LDN 2020 và nghị định hướng dẫn chỉ có duy nhất một điều khoản điều chỉnh đến mô hình này. Bên cạnh những lợi ích mang lại khi các doanh nghiệp tham gia vào mô hình sở hữu chéo thì các tác động tiêu cực cũng không ít. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như tại Việt Nam, rất nhiều thứ mà doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nhân cần phải hoàn thiện hơn nữa đó là về đạo đức trong kinh doanh. Hai quốc gia hàng đầu được đánh giá cao là có đạo đức kinh doanh ở mức độ cao là Đức và Nhật Bản thì việc áp dụng mô hình này trên thực tế mang đến ít tác động xấu hơn so với Việt Nam. Có một câu nói khuyết danh rằng “Luật pháp là đạo đức tối thiểu; đạo đức là luật pháp tối đa”, có thể hiểu rằng khi đạo đức chưa được đề cao thì cần phải có những quy phạm pháp luật điều chỉnh các hành vi chưa tốt đó – đi từ “tối thiểu” đến “tối đa”. Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp đang thiếu rất nhiều quy định điều chỉnh khi mô hình này diễn ra.

Căn cứ vào Điều 195 LDN 2020 có thể thấy rằng Việt Nam không cấm hoàn toàn hình thức sở hữu chéo diễn ra và tôn trọng quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh trong doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, các quy phạm pháp luật điều chỉnh chưa được chặt chẽ. Quy phạm pháp luật bao gồm ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài mà chế tài hiện đối với việc vi phạm sở hữu chéo lại quá nhẹ so với nguồn lợi mà các chủ thể có được. Nếu vi phạm doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng và biện pháp khắc phục là rút/thoái vốn [7]. Về hình thức phạt tiền, doanh nghiệp có thể nộp ngay lập tức vậy còn hình thức yêu cầu rút/thoái vốn thì doanh nghiệp phải thực hiện như thế nào, thời hạn để doanh nghiệp rút/thoái vốn là bao lâu, tính từ thời điểm nào và điều quan trọng là nếu doanh nghiệp vẫn cứ tiếp tục duy trì sở hữu chéo thì có phải chịu trách nhiệm gì hay không,… và còn rất nhiều vấn đề khác.

Để hoàn thiện pháp luật về sở hữu chéo tác giả bài viết có một số kiến nghị như sau:

  • Quy định thêm về tỉ lệ sở hữu chéo được phép giữa các doanh nghiệp vì với phương pháp định lượng tại điều 195.1.a thì tỉ lệ cho phép quá lớn, còn phương pháp định tính tại điều 195.1.b và 195.1.c thì trong một số trường hợp rất khó xác định;
  • Quy định về phương pháp tính tỉ lệ sở hữu chéo. Hiện nay đối với doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 65% vốn thì được coi là 65% vốn điều lệ hoặc tổng số phiếu biểu quyết, còn đối với doanh nghiệp khác lại tính theo vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó. Các cách tính này không thống nhất dẫn đến không thể bao quát hết được các thực tiễn đang diễn ra.
  • Quy định các chế tài nghiêm khắc hơn nếu doanh nghiệp không khắc phục hành vi vi phạm về tỉ lệ sở hữu chéo. Quy định về thời gian của biện pháp khắc phục hậu quả.

Kết luận

Thực tiễn, mô hình sở hữu chéo đã, đang và đã diễn ra cùng với sự phát triển của nền kinh tế mang lại những điều tích cực góp phần phát triển môi trường, quy mô sản xuất kinh doanh ở nước ta, trái lại cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Quan điểm gia đình trị hoặc các mối quan hệ gia đình trong quản lý doanh nghiệp của Việt Nam đang còn ảnh hưởng rất nặng nề. Không chỉ ở Việt Nam nói riêng mà các nước châu Á khác nói chung cũng có hiện tượng này. Nhà nước và xã hội cần có những chương trình vận động và tư vấn để các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là những người liên quan đến các thể chế tài chính hiểu rằng việc thuê nhà quản lý chuyên nghiệp điều hành sẽ sinh lợi cho gia sản của mình nhiều hơn. Đây là điều đã xảy ra ở các nước phát triển đi trước bởi các hoạt động kinh doanh phức tạp thì cần đòi hỏi nhiều hơn các tính toán duy lý thay vì là quan hệ dựa trên tình cảm. Song song với các vấn đề tên, Chính phủ và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hiệp hội ngành nên có những văn bản khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng các tiêu chuẩn, quy chế mà theo đó mang đến tính minh bạch cao hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên viên – Lê Quang Đán


[1] Trong bài viết này, tác giả đề cập đến cổ phần là đề cập chung cho cổ phần trong công ty cổ phần và phần vấn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn.

[2] Cổ đông là gọi chung cho cổ đông trong công ty cổ phần và thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn.

[3] Điều 16.2 Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp

[4] Điều 12.2 Nghị định 47/2021/CP-NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp

[5] Điều 12.1 Nghị định 47/2021/CP-NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp

[6] Pháp luật về sở hữu chéo cổ phần. Luận án Tiến sĩ chuyên ngành luật – 2019. Tr 56.

[7] Điều 39 Nghị định định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Để lại bình luận