Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp, một số cơ quan đã ban hành công văn hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể:
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn 860/BHXH-BT ngày 17/03/2020 hướng dẫn về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6 năm 2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định, trong tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn, doanh nghiệp có thể đề xuất để tiến hành xem xét, giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất đến tháng 12/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, Công văn yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
- Ngày 18/03/2020, nhằm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn số 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên.
Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.
Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phải nghiêm túc thực hiện và báo cáo tình hình vào ngày 10 hàng tháng về Tổng liên đoàn.
- Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/03/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Theo đó:
Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: (i) lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (ii) người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.
Những chính sách, hỗ trợ kịp thời nêu trên, đang cho thấy sự nỗ lực to lớn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chung tay, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế.
Cần lưu ý là Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, tuy nhiên tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư đã liệt kê các loại văn bản hành chính trong đó có Công văn (Điều 7). Đây là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Vì vậy, tuy rằng Công văn không phải văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nó cũng có hiệu lực trong phạm vi ngành, hệ thống cơ quan nhà nước bởi chứa đựng các thông tin mang tính chất điều hành hành chính như triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi,… các hoạt động trong các cơ quan nhà nước.
Các doanh nghiệp và người lao động có thể nghiên cứu nội dung Công văn để nắm được tinh thần, chính sách, nội dung hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội Việt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp của mình.