ỦY THÁC TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của quá trình toàn cầu hóa và giao lưu thương mại, hoạt động kinh tế ở Việt Nam đã có nhiều bước chuyển biến rõ rệt, đi cùng với đó là sự đa dạng hóa các hình thức hoạt động thương mại. Một trong những phương thức được các thương nhân thường xuyên sử dụng trong quá trình kinh doanh quốc tế là ủy thác mua bán hàng hóa. Thông qua hình thức này, các thương nhân trong nước có thể tiến hành nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thông qua bên trung gian mà không phải chịu các rào cản, bất lợi do thiếu kinh nghiệm trong quá trình mua bán hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, đi cùng với sự gia tăng về số lượng là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tranh chấp phát sinh từ giao dịch ủy thác mua bán hàng hóa được giải quyết ở cả tòa án và các thiết chế ngoài tòa. Không ít những vụ việc tranh chấp kể trên xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật, thiếu những thỏa thuận cụ thể của các bên trong giao dịch ủy thác mua bán hàng hóa. Vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi muốn phân tích, làm rõ những quy định, bản chất của giao dịch ủy thác mua bán hàng hóa trong pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay với mong muốn góp phần hạn chế những tranh chấp, bất đồng phát sinh trong quá trình hoạt động thương mại.

Bản chất giao dịch

Luật Thương mại 2005 định nghĩa Ủy thác mua bán hàng hóa (sau đây xin được gọi tắt là “ủy thác”) là hoạt động thương mại theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác”. Như vậy, ủy thác thực chất là giao dịch gồm ba chủ thể với hai quan hệ hợp đồng: (i) bên ủy thác giao cho bên nhận ủy thác – với tư cách là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác – mua bán thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác; (ii) bên nhận ủy thác nhân danh chính mình tiến hành giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với bên thứ ba dựa trên yêu cầu của bên ủy thác.

Ngoài ra, một đặc điểm đáng lưu ý của hoạt động uỷ thác là điều kiện về năng lực đối với chủ thể nhận uỷ thác. Với mục đích thay thế bên uỷ thác thực hiện các giao dịch mua bán hàng hoá với bên thứ ba, pháp luật yêu cầu chủ thể nhận uỷ thác “là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác”, đây là điều kiện cần thiết khi người nhận uỷ thác phải nhân danh chính mình, tự chịu trách nhiệm trong giao dịch của họ với người thứ ba. Trong khi đó, với hoạt động uỷ quyền hay thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba, pháp luật dân sự chỉ yêu cầu chủ thể được uỷ quyền hay thực hiện là cá nhân hoặc pháp nhân.

Với bản chất pháp lý phức tạp là một giao dịch bao gồm ba chủ thể thông qua hai quan hệ hợp đồng, các giao dịch ủy thác đôi khi bị nhầm lẫn với các giao dịch ba chủ thể khác như ủy quyền hoặc thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba, hay gặp những khó khăn trong cơ chế bồi thường thiệt hại phát sinh.

Nhập nhằng giữa các giao dịch

Một trong những mâu thuẫn chủ yếu giữa các bên trong giao dịch ủy thác là vấn đề về quan hệ pháp lý giữa bên ủy thác và người thứ ba xoay quanh các câu hỏi (i) quan hệ giữa bên nhận ủy thác và người thứ ba ảnh hưởng thế nào đến tình trạng pháp lý của người ủy thác; hay (ii) bên ủy thác có thể trực tiếp thỏa thuận với người thứ ba từ đó làm thay đổi quan hệ mua bán giữa người thứ ba và bên nhận ủy thác hay không?.

Ở đây, điểm cốt yếu cần lưu ý về tư cách pháp lý của bên nhận ủy thác trong quan hệ gồm ba chủ thể này, đồng thời cũng là sự phân biệt giữa hoạt động ủy thác và ủy quyền, là việc bên ủy thác nhân danh chính mình thực hiện giao dịch với người thứ ba và từ đó nhận thù lao ủy thác. Như vậy, quan hệ mua bán giữa bên nhận ủy thác và người thứ ba, về cơ bản, khác với ủy quyền, không làm ảnh hưởng đến tình trạng pháp lý của bên ủy thác. Một ví dụ điển hình là người thứ ba không thể yêu cầu bên ủy thác thanh toán hợp đồng mua bán (giữa người thứ ba và bên nhận ủy thác) trong trường hợp bên nhận ủy thác vi phạm nghĩa vụ.

Cũng với căn cứ trên, việc bên ủy thác thỏa thuận trực tiếp với người thứ ba về chất lượng hàng hóa, ví dụ thay đổi kiểu dáng, kích thước, … không làm thay đổi thỏa thuận ban đầu giữa bên nhận ủy thác và người thứ ba. Trong trường hợp này, dù được người ủy thác đồng ý, người thứ ba vẫn có thể bị bên nhận ủy thác khởi kiện vi phạm hợp đồng đối với những thay đổi do người thứ ba trực tiếp thỏa thuận với bên ủy thác.

Mặt khác, không ít trường hợp trong thực tiễn, mà ở đó các bên tham gia một thỏa thuận ba bên mà không xác định rõ bản chất của giao dịch là ủy thác, ủy quyền hay thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba. Ví dụ điển hình là việc các bên tiến hành giao dịch mà không xác định rõ vai trò của bên “trung gian” là bên nhận ủy thác (một bên của hợp đồng mua bán với người thứ ba), bên nhận ủy quyền (nhân danh bên ủy quyền thực hiện giao dịch mua bán với người thứ ba) hay chỉ đơn giản là chủ thể tiến hành công việc nhận hàng hóa thay cho người mua. Từ đó, rất nhiều tranh chấp phát sinh trên thực tiễn liên quan đến việc xác định nghĩa vụ của mỗi bên đến từ sự thiếu minh định trong thỏa thuận ban đầu.

Xác định trách nhiệm

Ủy thác là giao dịch ba bên với hai quan hệ hợp đồng độc lập với nhau, điều này đồng nghĩa với việc người thứ ba không thể yêu cầu bên ủy thác thanh toán tiền mua hàng do bên nhận ủy thác chậm trả, hay bên ủy thác không thể trực tiếp yêu cầu người thứ ba bồi thường trách nhiệm vi phạm hợp đồng giữa người thứ ba và bên nhận ủy thác. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra đối với yêu cầu bồi thường do chất lượng hàng hóa được giao “không đúng phẩm chất”, trong trường hợp này bên ủy thác có thể tiến hành khởi kiện ai và thông qua cơ chế nào để khôi phục những thiệt hại của mình?.

Đầu tiên, rõ ràng, bên ủy thác có quyền khởi kiện bên nhận ủy thác dựa trên vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa hai bên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ví dụ bên nhận ủy thác không còn khả năng bồi thường, liệu bên ủy thác có thể tiến hành khởi kiện trực tiếp người thứ ba hay không?

Câu trả lời là có. Lúc này, tuy giữa bên ủy thác và người thứ ba không tồn tại một quan hệ hợp đồng, nhưng, bên ủy thác có thể khởi kiện người thứ ba thông qua cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do người thứ ba đã vi phạm nghĩa vụ được pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa người thứ ba và bên nhận ủy thác. Việc xác định căn cứ cho yêu cầu khởi kiện, vi phạm quy định của pháp luật hay thuận giữa người thứ ba và bên nhận ủy thác, đôi khi mang ý nghĩa rất quan trọng trong. Bởi lẽ, không ít trường hợp hợp đồng giữa bên nhận ủy thác và người thứ ba tồn tại điều khoản miễn, hạn chế trách nhiệm bồi thường và hiệu lực ràng buộc của những điều khoản này đối với bên ủy thác đến nay vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Khuyến nghị

Ủy thác vốn là một cơ chế quan trọng trong quá trình hoạt động thương mại của doanh nghiệp, đặc biệt là trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Thông qua ủy thác, doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng thực hiện việc trao đổi, mua bán hàng hóa mà không phải lo ngại các rào cản từ việc thiếu kinh nghiệm, nguồn lực trong các giao dịch xuyên biên giới.

Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi đó, là không ít bất cập, khó khăn đến từ việc thiếu rõ ràng trong các quy định pháp luật, các bên trong quá trình tham gia giao dịch chưa có sự quan tâm đúng mức đối với các thỏa thuận, quy định, hậu quả pháp lý mà bản thân tiến hành giao kết. Do đó, để khắc phục các rủi ro pháp lý trên, một hợp đồng chi tiết, thận trọng được thỏa thuận, đàm phán kỹ lưỡng là giải pháp tối ưu cho các bên, bởi lẽ, hơn ai hết, thương nhân phải tự tiến hành bảo vệ, phòng ngừa các rủi ro đối với bản thân mình.

Đồng thời, pháp luật cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với trách nhiệm bồi thường trong pháp luật dân sự, cũng như có những hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa tại các văn bản quy phạm thuộc ngành luật thương mại, từ đó, hạn chế rủi ro pháp lý có thể phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu thương mại được phát triển.

Chuyên viên Trần Quang HuyCông ty Luật TNHH Penfield

Để lại bình luận