Về mô hình quản trị công ty cổ phần tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có thay đổi so với Luật Doanh nghiệp 2015 ở chỗ: công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
- Mô hình thứ nhất: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc (Tổng Giám đốc). Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có ban kiểm soát (Mô hình 1);
Mô hình 1:
- Mô hình thứ hai Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng Giám đốc). Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty (Mô hình 2).
Mô hình 2:
Mô hình thứ hai là sự “lựa chọn” bổ sung cho các Công ty cổ phẩn theo Luật Doanh Nghiệp 2014, việc triển khai mô hình này trên thực tế đòi hỏi cao về “nguồn” và “năng lực” của các Thành viên độc lập Hội đồng quản trị.
Có thể thấy cụm từ “thành viên Hội đồng quản trị độc lập” được định nghĩa tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây như tại Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26 tháng 07 năm 2012 do Bộ Tài Chính ban hành đã được Luật doanh nghiệp 2014 thay thế bằng cụm từ “thành viên độc lập Hội đồng quản trị”. Việc sắp xếp lại cụm từ nói trên không chỉ đơn thuần là thay đổi về mặt từ ngữ mà còn nhằm mục đích nhấn mạnh tính “độc lập” của thành viên này đối với Hội đồng quản trị. Điều này góp phần tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, khẳng định tính độc lập và vai trò của thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần nói chung, và công ty đại chúng nói riêng.
Mặc dù các thành viên độc lập hội đồng quản trị là chủ đề thu hút sự chú quan tâm nhiều nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây, tuy nhiên, trên thực khái niệm này đã xuất hiện từ khá lâu. Thành viên độc lập hội đồng quản trị đã được giới thiệu như là một biện pháp tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp tại Hoa Kỳ vào những năm 1950 trước khi được quy định bắt buộc trong luật. Sau đó, nhờ vào những nỗ lực bền bỉ của Tòa án Delaware và Sở giao dịch chứng khoán trong việc trì hoãn các quyết định của hội đồng quản trị độc lập, thành viên độc lập hội đồng quản trị đã trở nên nổi bật hơn. Ngoài ra, sau vụ bê bối của Enron, pháp luật cũng đã có sự ghi nhận đối với thành viên độc lập hội đồng quản trị. Trong những năm trở lại đây, xu hướng này cũng đang phát triển tại Vương Quốc Anh. Đòi hỏi về sự độc lập trong hội đồng quản trị được khơi nguồn bởi Báo cáo Cadbury năm 1992. Với sự phát triển này, sự độc lập hội đồng quản trị đã được củng cố và duy trì ở các nước như Hoa Kỳ và Anh. Những năm chuyển giao giữa thế kỷ 20 và 21 đã chứng kiến khái niệm thành viên độc lập hội đồng quản trị vượt ra ngoài lãnh thổ Hòa Kỳ và Anh sang các quốc gia khác trên thế giới. Báo cáo Cadbury đã phát triển các thông lệ về quản trị doanh nghiệp tại một số quốc gia như Canada, Hồng Kông, Nam Phi, Úc, Pháp, Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ.
Theo thông lệ về quản trị công ty tại các nước trên thế giới, các thành viên độc lập hội đồng quản trị có thể đóng góp vào những quyết định quan trọng của quản trị công ty, đặc biệt là trong việc đánh giá thành tích điều hành, đặt ra mức thù lao đối với cán bộ điều hành và thành viên hội đồng quản trị, rà soát báo cáo tài chính và giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Các thành viên độc lập hội đồng quản trị đem lại cho cổ đông niềm tin rằng những quyết định mà hội đồng quản trị đưa ra là vô tư và không thiên vị. Thực tế cho thấy, thành viên hội đồng quản trị trong công ty đại chúng chủ yếu là những người của cổ đông lớn, cổ đông chi phối và do đó, các quyết định của hội đồng quản trị phần nào đó gắn với lợi ích của những cổ đông này. Thực trạng này thường dẫn đến việc những quyết định được hội đồng quản trị đưa ra có thể bỏ qua hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông thiểu sổ và các chủ thể khác như chủ nợ, người lao động, khách hàng…[1].
Như đã phân tích bên trên, chính vì sự độc lập – không chia sẻ chung các lợi ích, không có quan hệ nhân thân với người quản lý doanh nghiệp, các vị trí điều hành, các cổ đông lớn, cổ đông sở hữu cổ phần chi phối của công ty đại chúng nên quan điểm, ý kiến và quyết định được đưa ra bởi các thành viên độc lập hội đồng quản trị đảm bảo được tính vô tư, khách quan bởi mục tiêu mà các thành viên này hướng đến là lợi ích của toàn công ty đại chúng, góp phần làm cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các nhóm chủ thể trong công ty. Nhiều bộ quy tắc về quản trị công ty của các quốc gia trên thế giới đã đưa ra khuyến nghị rằng hội đồng quản trị nên được hợp thành từ đa số thành viên độc lập, là những người có thể cung cấp cái nhìn khách quan từ bên ngoài và phán quyết không thiên vị, bổ sung các kinh nghiệm và kiến thức từ bên ngoài và cung cấp các mối quan hệ hữu ích.
Sự tham gia của thành viên độc lập hội đồng quản trị giúp duy trì sự minh bạch trong quá trình tổ chức và hoạt động của công ty đại chúng, ngăn ngừa việc bưng bít các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của công ty và các hành vi che giấu giao dịch tư lợi có nguy cơ dẫn đến những sai phạm, tổn thất, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các chủ thể có liên quan. Sự có mặt của các thành viên này sẽ phần nào nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị và quan trọng hơn là cải thiện chất lượng quản trị tại công ty đại chúng.
[1] Hoàn thiện pháp luật về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty đại chúng