Bộ luật Lao động 2019, được Quốc hội ban hành ngày 20/11/2019, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01 tới đây, qua đó, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp luật lao động Việt Nam, tiến tới hài hoà hoá với các tiêu chuẩn của thế giới. Trong đó, Bộ luật Lao động 2019 đã đưa ra nhiều sửa đổi quan trọng đối với quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động.
Thứ nhất, theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, kể từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động chỉ còn được giao kết dưới một trong hai loại là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn (không quá 36 tháng). Như vậy, so với quy định hiện hành tại Điều 22 Bộ luật lao động 2012 thì sẽ không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định.
Thứ hai, để bắt kịp sự phát triển ngày càng nhanh chóng của công nghệ, cũng như nhu cầu giao kết hợp đồng dưới hình thức thông điệp dữ liệu trong bối cảnh dịch Covid-19, Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 đã chấp nhận hợp đồng lao động được ký thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Thứ ba, Bộ luật Lao động 2019 ban hành những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động, cũng như tạo sự linh hoạt cho người lao động khi tham gia quan hệ lao động. Theo đó, người lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước tại khoản 1 Điều 35. Trong một vài trường hợp, người lao động còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước như: bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập, …
Mặt khác, Bộ luật mới cũng có những cơ chế tạo sự linh hoạt cho người lao động trong trường hợp người lao động vi phạm nghiêm trọng hợp đồng lao động như: người không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hay tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. Đối với các trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải thực hiện nghĩa vụ báo trước như quy định tại Bộ luật hiện hành.
Bộ luật lao động 2019 cho thấy sự cởi mở hơn của pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh các quan hệ lao động, tăng cường sự tự do, linh hoạt cho các bên trong hợp đồng, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Trong bối cảnh Bộ luật Lao động sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian sắp tới, người lao động cũng như người sử dụng lao động cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng những thay đổi của Bộ luật mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình.