NGHỊ ĐỊNH 08/2023/NĐ – CP: CƠ HỘI NÀO CHO THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU

Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (“Nghị định 08”). Nghị định được đánh giá là giải pháp tình thế để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu và tài chính Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa ghi nhận đợt phát hành nào trong năm 2023 tính đến ngày 31/1 và tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Nghị định trước hết mở ra cơ hội để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá hai năm, hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số. Nếu các bên có thể đi đến thống nhất theo một trong các phương án trên sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành. Từ đó, tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính và trái chủ có thêm cơ hội được thanh toán gốc, lãi vay bằng những tài sản khác có giá trị tương xứng.

Đồng thời, Nghị định ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với ba quy định về việc: xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Phương án có mục tiêu giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Tuy nhiên, do tâm lý của nhà đầu tư cá nhân ngày càng thận trọng sau hàng loạt vụ việc vi phạm liên quan đến trái phiếu bị phanh phui, dẫn đến nhu cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư có khả năng sụt giảm. Do đó, ngay cả khi nhà nước ngưng thi hành việc xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có thể sẽ không tiếp tục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao, hoặc các kênh đầu tư khác, dẫn đến mục tiêu giải quyết khó khăn trong việc huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành không được thỏa mãn. Và ngay cả trong kịch bản ngược lại, khi nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro, sẽ dẫn đến tình trạng khó thanh lọc chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, lặp lại “vết xe đổ” của thị trường thời gian trong thời gian qua.

Vì vậy, chính sách của Nghị định 08 có thực sự đem lại hiệu quả hay không là vấn đề cần xem xét cẩn trọng.

Bởi một thực tế không thể phủ nhận rằng nguồn cơn khủng hoảng của thị trường trái phiếu nhiều phần đến từ sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư. Họ không thực sự nhìn nhận trái phiếu như bản chất vốn có là một công cụ nợ, một khoản vay lãi suất cao với cá nhân và được cam kết bằng uy tín của doanh nghiệp. Thực tế không ai có thể đảm bảo một khoản vay đơn thuần chắc chắn được chi trả đúng hạn như lời hứa hẹn ban đầu. Đối với trái phiếu, thời hạn này phụ thuộc rất nhiều vào tiến triển của thị trường và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư.

Sự thiếu hiểu biết về tài chính của các nhà đầu tư, đã biến trái phiếu thành một khoản tiết kiệm có thời hạn, với lãi suất đầy hứa hẹn và an toàn. Vậy nên, hầu hết Nhà đầu tư cá nhân đều chưa  xác định được nguy cơ – rủi ro tiềm ẩn của giao dịch và  thụ động, “buông mình” theo thị trường để liên tục bị dẫn dắt bởi các luồng dư luận. Đặc biệt, khi các sai phạm nghiêm trọng về trái phiếu trở thành  “giọt nước tràn ly”, “con sâu làm rầu nồi canh”, gây biến động phức tạp cho thị trường tài chính càng khiến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà đầu tư, với định kiến lệch lạc về trái phiếu, đã hoang mang, lo sợ ồ ạt rút vốn trước thời hạn, khiến nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng. Có thể thấy, khi một mắt xích bị đứt gãy sẽ tạo thành hiệu ứng domino cho cả thị trường.

Trên bình diện khách quan, hiện trạng này là điều có thể dự đoán được khi hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đều bỡ ngỡ với các khái niệm đầu tư tài chính, chỉ “học” kiến thức qua phương tiện thông tin đại chúng, nội dung truyền miệng từ cộng đồng, mà ít có cơ hội để tiếp cận với nguồn giáo dục chính quy. Do đó, thay vì trang bị vốn kiến thức đủ nhiều về thị trường; một cái nhìn nghiêm túc, chỉn chủ về sản phẩm đầu tư mà mình lựa chọn, nhà đầu tư cá nhân lại chạy theo những niềm tin mơ hồ về một sản phẩm đầu tư thụ động dễ dàng và thời thượng.

Trước hiện trạng đó, Nghị định 08 chỉ là một giải pháp  “cứu vãn” tình thế cho các doanh nghiệp đang đói vốn, chỉ cứu phần ngọn mà chưa xét đến phần gốc. Trong chín tháng gia hạn này, khi nhà đầu tư thiếu hiểu biết tiếp tục trở thành những con “thiêu thân” lao vào thị trường với những niềm tin rất mới, và khi tiềm năng khôi phục của doanh nghiệp vẫn là vấn đề bỏ ngỏ thì câu chuyện hiện tại của thị trường chắc hẳn vẫn có nguy cơ lặp lại ở tương lai.

Tạm kết

Nghị định 08 là giải pháp phù hợp của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc nguồn vốn của mình, chặn đứng con sóng nợ trái phiếu, tháo gỡ áp lực dòng tiền thanh toán. Tuy nhiên, các nhà làm luật hay chăng nên cân nhắc để chú trọng vào bản chất của vấn đề và đưa ra những chính sách thúc đẩy các công cụ đào tạo, phổ cập, nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư đối với thị trường và trái phiếu, bao gồm việc hiểu rõ bản chất của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và tự chịu trách nhiệm về rủi ro khi quyết định mua trái phiếu, đồng thời kiểm soát một cách bài bản hơn các kênh phân phối để đảm bảo những thông tin xuất phát từ Tổ chức phát hành tới các nhà đầu tư một cách đầy đủ và chính xác. Đây có lẽ mới là động thái thúc đẩy để tạo bước tiến lâu dài trong nhận thức mà thị trường cần có để dần khôi phục thanh danh của loại hình đầu tư này, đẩy lùi làn sóng đầy phẫn nộ của nhà đầu tư khi thị trường chạm điểm khó khăn; hay không khí hoang mang, bức xúc đến bất lực dội xuống các Tổ chức phát hành xuất hiện trong nhiều hội nghị trái chủ thời gian vừa qua.

Song song, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý giám sát để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân; xây dựng một quy trình để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, qua đó xây dựng một thị trường đầu tư phát triển lành mạnh hơn.

Chuyên viên tư vấn Vũ Gia Linh

Để lại bình luận