TIỀM ẨN RỦI RO, CÁC NGÂN HÀNG KIỂM SOÁT CHẶT HOẠT ĐỘNG CẤP TÍN DỤNG ĐỐI VỚI BẤT ĐỘNG SẢN

Việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã khiến cho nhu cầu tín dụng của thị trường bất động sản tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành Công văn số 482/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu các ngân hàng không nới lòng điều kiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và kiểm soát chặt chẽ, thận trọng khi đưa ra quyết định cấp tín dụng, đặc biệt là với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản tại các địa bàn xảy ra tình trạng sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.

Vào cuối tháng 03 vừa qua, một số tổ chức tín dụng đã tạm dừng giải ngân mới các khoản vay bất động sản, đồng thời tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics,…

Tiêu biểu có thể kể đến là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022, kể cả là với nhà đầu tư hay khách hàng vay vốn mua nhà (quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở). Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có thông báo từ bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc tạm dừng giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản và thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tình trạng sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương và các tổ chức tín dụng này nhận thấy nguy cơ vượt hạn mức được giao cũng như rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản ngày càng lớn.

Thực tế, chính sách hạn chế tín dụng vào bất động sản đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2016 và tiếp tục thực hiện theo lộ trình trong năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng vào bất động sản từ một số nhà băng sẽ làm giảm nhiệt dần sức nóng của thị trường địa ốc, tình trạng sốt đất cơ bản có thể được kiểm soát nhờ việc siết tín dụng. Mặt khác, chính sách này nhận ý kiến trái chiều ở góc độ đầu tư, nhóm sử dụng đòn bẩy sẽ không thể tiếp tục xuống tiền, ngay cả nhóm người mua nhà ở thực cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để mua nhà.

Có thể thấy, để hạn chế sự tăng nóng bất ổn của thị trường địa ốc, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương siết chặt giải ngân ở lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức tín dụng sẽ cấm hay dừng toàn bộ việc giải ngân trong lĩnh vực này. Mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào dư nợ, tình hình thực tế về tăng trưởng tín dụng và chính sách nội bộ, nội quy tại từng thời điểm để quyết định việc cấp hạn mức tín dụng phù hợp.Mặc dù vậy, nhà đầu tư bất động sản cần lưu ý chính sách nói trên để có kế hoạch dự phòng cho dòng tài chính cũng như cân nhắc quyết định đầu tư trong giai đoạn này. 

Để lại bình luận