SIẾT CHẶT CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ XÂY DỰNG, KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN THÔNG QUA NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH MỚI

Ngày 28/01/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (“Nghị định 16”) thay thế cho Nghị định 139/2017/NĐ-CP (“Nghị định 139”), bao gồm quy định về các hành vi vi phạm và hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà. Hầu hết mức phạt tiền về các hành vi này đều tăng lên từ 1.5 đến 05 lần so với Nghị định 139 trước đây, thể hiện tính răn đe của cơ quan nhà nước đối với những sai phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với hoạt động xây dựng, các mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình có sự thay đổi nổi bật như sau:

  • Tăng gấp đôi mức phạt tiền đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng. Trước đây, mức phạt tiền về hành vi này là từ 30 đến 40 triệu đồng; nay, chủ thể lựa chọn có thể bị xử phạt từ 60 đến 80 triệu đồng theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định 16.
  • Bổ sung và tăng gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo Điều 12 Nghị định 16, theo đó, việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mà không phù hợp với quy hoạch hay không đảm bảo điều kiện về vốn, phương án công nghệ, hiệu quả tài chính thì bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng
  • Các hành vi vi phạm về đầu tư phát triển đô thị theo Điều 13 Nghị định 16 đều tăng lên so với Nghị định 139 trước đây, sai phạm thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng.
  • Đặc biệt, theo Khoản 7 Điều 16 Nghị định 16 việc thi công công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng sẽ có mức phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng, tuỳ thuộc vào khu vực xây dựng (tăng từ 03 đến 05 lần so với quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139);

Thứ hai, đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, mức phạt tiền đều tăng lên đáng kể từ 100 triệu đến 01 tỷ đồng tuỳ hành vi vi phạm được liệt kê tại Điều 58 Nghị định 16, trong đó phải kể đến việc:

  • Hoạt động “cò đất” sẽ bị kiểm soát chặt chẽ thông qua quy định xử phạt từ 40 triệu đến 60 triệu đối với hành vi như kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng, làm sai lệch chứng chỉ môi giới;
  • Lập hợp đồng kinh doanh bất động sản không đầy đủ các nội dung theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP đã ban hành trước đó thì sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với mỗi hành vi;
  • Tình trạng “bán lúa non” hay “bán chui” tại dự án bất động sản, “dự án ma” làm lũng đoạn thị trường trong thời gian qua sẽ được chú trọng xử lý với mức phạt tiền từ 400 triệu đến 600 triệu đồng. Đồng thời, nếu các chủ đầu tư cố tình trì hoãn tiến độ đầu tư xây dựng, thực hiện dự án bất động sản, dự án nhà ở cũng sẽ bị xử phạt theo mức nói trên.
  • Hoạt động huy động vốn trái phép hay sử dụng khoản tiền huy động vốn/tiền tạm ứng không đúng mục đích mà chủ đầu tư đã cam kết sẽ bị xử phạt ở khung cao nhất từ 800 triệu đến 01 tỷ đồng đối với mỗi hành vi. Đặc biệt, việc bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn công hay đảm bảo các điều kiện nhất định về hạ tầng kỹ thuật cũng có thể bị phạt tiền ở mức kịch khung theo Khoản 4 Điều 58 Nghị định 16 này.
  • Các quy định trên được kỳ vọng sẽ  phù hợp với mức độ vi phạm trên thực tế và là lời cảnh tỉnh đến các chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án nhà ở khi thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với khách hàng, gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này.

Thứ ba, các giao dịch về nhà ở xã hội, căn hộ bình dân đang ngày càng sôi nổi và đáp ứng nhu cầu của thị trường bất động sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của cả nước. Theo đó, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm liên quan hầu hết đều gấp đôi so với Nghị định 139, được quy định tại các Điều 63, Điều 64 Nghị định 16, với mức phạt tiền cao nhất từ 260 triệu đến 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư có hành vi không dành diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ tư, các hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng được siết chặt, theo đó:

  • Chủ đầu tư không được kinh doanh vũ trường trong nhà chung cư, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 16.
  • Đặc biệt, vấn đề về kinh phí bảo trì gây nhức nhối với cư dân trong các toà nhà chung cư thời gian qua cũng được chú trọng. Đối với việc mở tài khoản kinh phí bảo trì, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt ở mức từ 80 đến 100 triệu đồng nếu việc mở tài khoản kinh phí bảo trì không thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định Chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 160 triệu đến 200 triệu đồng (theo Khoản 2 Điều 67 Nghị định 16) trong trường hợp:
    • Tính toán sai kinh phí bảo trì;
    • Không ghi trong hợp đồng thông tin về tài khoản kinh phí bảo trì;
    • Không gửi hoặc chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng;
    • Không đóng tài khoản kinh phí bảo trì đã lập sau khi bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư;
    • Không công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì;
    • Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi kinh phí bảo trì;
    • Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư không đủ điều kiện, năng lực;
    • Việc không đóng hoặc đóng không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập hay sử dụng kinh phí bảo trì không đúng quy định sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất, từ 260 triệu đến 300 triệu đồng.
  • Ngoài ra, khi chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo đúng quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD (và các văn bản sửa đổi, bổ sung) hay không bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn quy định có thể bị xử phạt từ 200 triệu đến 260 triệu đồng.

Như vậy, Nghị định 16 đã đặt ra sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là trong việc quản lý hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản. Mặc dù việc triển khai xử phạt vi phạm hành chính trên thực tế còn có thể gây tranh cãi trong cách xác định các hành vi vi phạm, tuy nhiên, Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm hiện tượng tiêu cực còn tồn tại trong thị trường bất động sản nói chung.

Để lại bình luận