NGHỊ ĐỊNH 145/2020 HƯỚNG DẪN THI HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

Hôm nay, ngày 01/02/2021, Nghị định 145/2020/NĐ-CP (“Nghị định 145/2020”) chính thức có hiệu lực, theo đó, Nghị định 145/2020 tiến hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định 145/2020 ban hành một số nội dung nổi bật liên quan đến hợp đồng lao động, đảm bảo an toàn lao động, …

Thứ nhất, Nghị định mới quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước như sau:

  • Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở xuống thì thực hiện theo quy định như đối với các hợp đồng lao động thông thường tại khoản 1, Điều 21, Bộ luật Lao động 2019.
  • Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50%, hợp đồng lao động cần có các thoả thuận ngoài các nội dung cơ bản như: điều kiện, thủ tục bổ sung, sửa đổi, đơn phương chấm dứt hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên khi chấm dứt hợp đồng hay quyền; nghĩa vụ của người lao động được thuê làm giám đốc; …

Thứ hai, Nghị định hướng dẫn chi tiết đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động của một số đối tượng đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay, người quản lý doanh nghiệp, … Theo đó, người lao động hoặc người sử dụng lao động trong trường hợp này nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải thông báo trước:

  • Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
  • Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Sở dĩ, pháp luật yêu cầu thời hạn thông báo dài hơn so với các quan hệ lao động thông thường là vì những ngành nghề, công việc này, luôn đòi hỏi trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao đối với người lao động, do đó rất khó khăn để tìm kiếm đối tượng thay thế hay chuyển đổi công việc trong thời gian ngắn. Vì thế, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên sau khi chấm dứt quan hệ lao động, pháp luật đã phải đặt ra một thời hạn báo trước dài hơn.

Thứ ba, nhằm đảm bảo điều kiện an toàn lao động tại cơ sở làm việc, Nghị định 145/2020 đã đưa ra các quy định chi tiết liên quan đến việc phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc. Theo đó, quấy rối tình dục được định nghĩa tại Điều 84 có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức như “đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.”. Có thể thấy, với nội hàm rất rộng của mình, Nghị định 145/2020 đã cụ thể hoá chủ trương ngăn chặn triệt để các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ngoài ra, Nghị định 145/2020 còn cụ thể các nội dung quan trọng như bảo đảm bình đẳng giới hay quy định về tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, … Trong thời gian tới, với việc Bộ luật Lao động đã chính thức có hiệu lực (vào ngày 01/01/2021) và Nghị định 145/2020 được thực thi trên thực tiễn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là một bên trong quan hệ lao động cần tìm hiểu, nghiên cứu các quy định mới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân, cũng như tuân thủ quy định pháp luật.

Để lại bình luận